Chạy dài trên con đường nhựa cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 7km là điểm dừng chân của gia đình nghệ nhân A Biu. Với tâm huyết luôn muốn gìn giữ văn hóa dân tộc Ba Na, già làng A Biu từng đi khắp nơi để sưu tầm những ching chiêng, đàn, trống, tượng gỗ và những làn điệu dân tộc.
Từ ngày bắt nhịp hiện đại, được sự động viên của người nhà và chính quyền địa phương, ông A Biu mở homestay ngay chính ngôi nhà sàn của mình, như một cách bảo tồn và lưu truyền hồn cốt dân tộc Ba Na cho con cháu đời sau. Ngôi nhà và khuôn viên của ông biến thành một làng Ba Na thu nhỏ với đầy đủ những cung bậc cảm xúc, đầy đủ những chiêng, trống, tượng, thổ cẩm và ẩm thực dân tộc. Đến nay, ngôi nhà của nghệ nhân A Biu đã thành điểm du lịch không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước khi đến với Kon Tum.
Ngôi nhà của nghệ nhân A Biu là ngôi nhà sàn kiểu nhà Ba Na, hàng cột và mái hiên trang trí hoa văn đậm màu sắc truyền thống, các song cửa sổ đẽo gọt cầu kỳ và trưng bày đồ dệt thổ cẩm, các đặc sản măng khô, mật ong rừng… để chào mừng khách du lịch. Trước nhà là một khoảng sân có cây nêu, treo đầy cồng chiêng, trống và có cả đàn T’rưng, nơi ông A Biu và nhiều lớp con cháu thường trình diễn mỗi khi khách tới tham quan.
Đến đây, du khách không khỏi thích thú với những vật dụng được già làng A Biu sưu tầm được như ché, chiêng cổ… Trong âm thanh rộn ràng của cồng chiêng, du khách vừa hòa mình vào những điệu múa xoang, những bài hát dân ca tha thiết, thưởng thức rượu cần nồng nàn giữa núi rừng Tây Nguyên vang vọng và không quên gặp gỡ nghệ nhân A Biu để nghe những câu chuyện kể về đất và con người Kon Tum mà ông đã sưu tầm, gìn giữ và đang truyền lại cho thế hệ con cháu trong làng.
Gần gũi hơn, du khách có thể hóa thân thành những chàng trai, cô gái Ba Na trong trang phục thổ cẩm truyền thống và trải nghiệm bản sắc văn hóa Ba Na đánh đàn T’rưng, cồng chiêng, múa xoang, đốt lửa trại, khám phá ẩm thực đặc trưng Tây Nguyên với các món truyền thống như gà nướng, cơm lam, cà đắng, lá mì, măng rừng… Các món ăn giản dị nhưng mang hương vị đặc trưng, hấp dẫn, gói trọn những tinh túy của đất trời ban tặng cho vùng đất đại ngàn.
Điểm du lịch A Biu cũng là một trong nơi đến hấp dẫn với các nhà nghiên cứu, thực tập sinh ngành văn hóa. Nhờ phát triển du lịch, Điểm du lịch A Biu đã góp phần tạo thêm việc làm cho hơn 30 người dân trong làng Plei Klếch (xã Ngọc Bay), nâng cao thu nhập từ việc cung ứng dịch vụ du lịch.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 3 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, trong đó có Điểm du lịch A Biu. Việc được công nhận là sản phẩm OCOP đã góp phần thu hút du khách, bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống địa phương. Đồng thời cũng tạo động lực để người dân nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.
Trung tâm Thông tin du lịch