Bản Cát Cát thuộc xã San Sả Hồ, huyện Sapa, cách thị trấn Sapa khoảng 2km, tỉnh Lào Cai. Ấn tượng khi đặt chân tới đây là hình ảnh những ngôi nhà nhỏ đơn sơ, mộc mạc nằm yên bình bên thác nước Cát Cát (thác Tiên Sa), ba bể là núi non hùng vĩ ngoạn mục, là những thửa ruộng bậc thang bạt ngàn, mỗi mùa lại thay áo mới, đem đến cho khách tham quan một cảm giác vừa mới lạ mà cũng vừa thân quen, yên bình…
Vẻ đẹp của bản làng Cát Cát không chỉ được ngợi ca nhờ cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ mê đắm lòng người, mà còn nổi bật với những nếp nhà truyền thống, nét văn hóa độc đáo đậm đà bản sắc thể hiện qua phong tục tập quán, trang phục, lễ hội, ẩm thực của đồng bào dân tộc Mông. Người Mông ở Cát Cát xây nhà dựa vào sườn núi, các nóc nhà chỉ cách nhau chừng vài chục mét. Đó là những căn nhà ba gian có vì kèo ba cột ngang được kê trên phiến đá tròn hoặc vuông, mái lợp ván gỗ pơ mu, vách bằng gỗ xẻ. Quanh nhà là những bụi tre um tùm, xanh mát cùng ruộng bậc thang ngút tầm mắt.
Cùng với đó, người Mông ở đây cũng giữ gìn và phát triển các nghề thủ công truyền thống như trồng lanh dệt vải, đan lát dụng cụ sinh hoạt, chạm trổ bạc và rèn nông cụ. Đến bản Cát Cát, du khách hãy dành thời gian tham quan và mua sắm tại những khu trưng bày và bán các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Những sản phẩm tinh xảo, độc đáo được tạo ra bởi bàn tay khéo léo của những con người nơi đây không chỉ đem lại sức sống, sức hút cho bản làng mà còn thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người Mông được bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Để tận hưởng trọn vẹn hành trình du lịch của mình, những tín đồ du lịch nhất định nên trải nghiệm “một ngày làm người Mông” để hóa thân thành những chàng trai, cô gái dân tộc đầy duyên dáng trong bộ trang phục truyền thống đặc biệt để hòa mình cùng với thiên nhiên, văn hóa bản địa.
Nếu có dịp ghé thăm bản Cát Cát vào những ngày đầu năm, du khách sẽ có cơ hội tham gia Lễ hội Gầu Tào với ý nghĩa cầu phúc, cầu mệnh. Đây được coi là lễ hội lớn nhất trong năm, phản ánh đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Mông. Bên cạnh đó, khách tham quan cũng sẽ được thưởng thức ẩm thực truyền thống, những món đặc sản như rượu ngô, thắng cố, thịt hun khói, nhái om măng, bánh ngô, đậu xị…
Với những nét độc đáo riêng có của một bản vùng cao Tây Bắc, Cát Cát đang dần trở thành điểm đến du lịch ấn tượng không thể bỏ qua khi đến với Sapa. Sự phát triển của các hoạt động du lịch cộng đồng đem đến cho nơi đây một diện mạo mới nhưng không làm mất đi nét đẹp truyền thống, bản sắc vốn có. Sự hoang sơ, kỳ vĩ của thiên nhiên cùng với nét văn hóa đặc sắc, đôi bàn tay khéo léo, sức sáng tạo vô hạn của người dân bản Cát Cát đã tạo nên một bức tranh hài hòa, rực rỡ sắc màu.
Trung tâm Thông tin du lịch