Để phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Sở hữu nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, song du lịch vùng ĐBSCL nhiều năm nay phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng, sự liên kết vùng dù đã có nhưng hết sức lỏng lẻo. Điểm yếu lớn nhất của du lịch ĐBSCL là thiếu một “nhạc trưởng”.  

Đâu là sản phẩm du lịch đặc thù?

 

Mặc dù Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 và một số nghiên cứu khoa học đã định hướng khá rõ về hệ thống sản phẩm và hình ảnh điểm đến vùng ĐBSCL, tuy nhiên cho đến nay việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và xúc tiến quảng bá du lịch vùng ĐBSCL chưa được như mong muốn, ảnh hưởng đến vị thế và sức cạnh tranh du lịch chung của vùng.

 

Điều này được thể hiện rõ qua việc so sánh số lượt khách du lịch đến vùng ĐBSCL và tổng thu nhập du lịch của vùng. Theo đó, năm 2013, toàn vùng đón được 1.668.800 lượt khách du lịch quốc tế, chiếm 8,3% tổng lượng khách quốc tế cả nước; 9,8 triệu lượt khách nội địa, chiếm 5,8% tổng lượt khách nội địa cả nước; tổng thu nhập từ du lịch của vùng đạt 5.141 tỷ đồng, chiếm 2,7% tổng thu nhập du lịch của cả nước. Thực trạng phát triển của du lịch ĐBSCL không có gì thay đổi nhiều trong suốt thời gian từ năm 2006 đến nay.

 

 

Điều đáng chú ý là trong suốt quãng thời gian đó, các tỉnh trong vùng ĐBSCL vẫn loay hoay với việc định hình đâu là sản phẩm du lịch đặc thù khi mà địa phương nào cũng có những sản phẩm gần giống nhau. Hầu hết các địa phương trong vùng đều dựa vào tài nguyên du lịch sẵn có để phát triển du lịch. Do vậy, các sản phẩm du lịch chủ yếu tập trung vào việc: Chở khách tham quan bằng tàu, thuyền; Đưa khách tham quan miệt vườn; Biểu diễn Đờn ca tài tử; Tham quan tìm hiểu tại các Vườn quốc gia. Du khách chỉ cần đến một tỉnh là biết sản phẩm du lịch của cả vùng. Chính tình trạng trùng lặp về sản phẩm du lịch sông nước, du lịch sinh thái giữa các địa phương trong vùng diễn ra phổ biến đã làm giảm tính hấp dẫn của du lịch ĐBSCL.

 

Theo các chuyên gia du lịch, ngoài việc sản phẩm du lịch bị trùng lặp, còn có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến việc du lịch ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng như nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch; nguồn nhân lực vừa thiếu vừa yếu, đội ngũ làm công tác quản lý du lịch còn mỏng… Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất là thiếu một “nhạc trưởng” dẫn dắt, khiến cho việc liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc và hình thức, không phát huy hiệu quả.

 

Nhận xét về thực trạng này, PGS. TS Phạm Trung Lương – Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng: “Những sản phẩm du lịch đặc thù của vùng ĐBSCL đã được khai thác, nhưng hiện mới ở góc độ địa phương, chứ không phải góc nhìn của toàn vùng. Vấn đề liên kết giữa các vùng cũng đã được đặt ra từ lâu, nhưng không có “nhạc trưởng”, dẫn đến tình trạng khai thác sản phẩm du lịch chồng chéo nhau. Bây giờ cần phải điều chỉnh lại, để từng địa phương phát huy được thế mạnh của mình và liên kết các thế mạnh với nhau để tạo ra sản phẩm chung, tạo nên sức mạnh của cả vùng”.

 

Đi tìm “nhạc trưởng” cho vùng ĐBSCL

 

Thực tế, thời gian qua du lịch ĐBSCL đã có sự bắt tay liên kết, tuy nhiên chỉ dừng ở mức độ hội nghị, hội thảo, trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý nhà nước… Do mang nặng tư tưởng “không ai hơn ai”, thiếu tinh thần hợp tác nên các địa phương trong vùng vẫn khai thác du lịch theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, dẫn đến việc các địa phương cứ có những sản phẩm du lịch tương tự nhau, còn du khách thì không biết đâu là sản phẩm du lịch đặc thù của vùng ĐBSCL. Bởi vậy, dù sở hữu tiềm năng dồi dào, song du lịch vùng ĐBSCL nhiều năm qua vẫn “dậm chân tại chỗ”, không nâng cao được sức cạnh tranh.

 

 

Theo bà Nguyễn Thị Khánh – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TP. HCM: “Vấn đề khiến chúng ta băn khoăn nhất hiện nay là làm thế nào để xác định hai yếu tố: vai trò “nhạc trưởng” và sản phẩm du lịch đặc thù? Phương pháp tiếp cận căn cơ nhất để xác định sản phẩm du lịch đặc thù của vùng là xem xét quy hoạch sản phẩm du lịch của mỗi tỉnh trong vùng ĐBSCL. Mỗi tỉnh trong vùng có những đặc điểm chung nhưng cũng có những đặc điểm riêng. Chính người nhạc trưởng sẽ xác định cái gì cần ưu tiên phát triển, đẩy mạnh”. Do vậy, điểm mấu chốt nhất vẫn là xác định vai trò của người “nhạc trưởng” để khắc phục những điểm yếu và nâng cao tính liên kết và sức mạnh của toàn vùng ĐBSCL trong phát triển du lịch.

 

Để giải quyết vấn đề khúc mắc này, mới đây, Bộ VHTTDL đã giao cho Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch xây dựng Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” và Đề án Thành lập Ban Điều phối phát triển du lịch vùng ĐBSCL. Theo đó, hai Đề án sẽ tham mưu cho khu vực ĐBSCL xây dựng hai sản phẩm du lịch đặc thù cấp quốc gia và các sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng, đồng thời xác định vai trò “nhạc trưởng”, điều phối hoạt động du lịch chung của cả vùng ĐBSCL.

 

Theo Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL”, sản phẩm du lịch đặc thù cấp quốc gia phải được xây dựng dựa trên nguồn tài nguyên du lịch cấp quốc gia, cụ thể, khu vực ĐBSCL có cảnh quan sông nước gồm các hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, hệ sinh thái biển đảo Phú Quốc, 4 cù lao nổi tiếng Long – Lân – Quy – Phụng; sinh hoạt và sinh kế của người dân trên sông nước gồm các chợ nổi (tiêu biểu là chợ nổi Phong Điền, Cái Bè, Cái Răng, Phụng Hiệp) và văn hóa sông nước cùng với nghệ thuật Đờn ca tài tử. Dựa trên cơ sở đó, ở cấp quốc gia, ĐBSCL sẽ có hai loại sản phẩm du lịch là: “Trải nghiệm cuộc sống sông nước của cộng đồng ở hạ nguồn sông Mê Kông” và “Trải nghiệm giá trị sinh thái đất ngập nước hạ nguồn sông Mê Kông”.

 

Sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng của khu vực ĐBSCL sẽ dựa vào nguồn tài nguyên du lịch cấp vùng là bãi biển Phú Quốc, địa hình karst tại Hà Tiên, lễ hội Vía Bà chúa Xứ tại An Giang, văn hóa Khmer tại Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng và hệ thống sông Vàm Cỏ tại tỉnh Long An và Tiền Giang. Theo đó, các sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng của khu vực sẽ gồm: nghỉ dưỡng biển – đảo Phú Quốc – Hà Tiên (Kiên Giang); trải nghiệm văn hóa tâm linh (núi Sam – An Giang) và văn hóa Khmer (Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng và An Giang); trải nghiệm cảnh quan sông nước sông Vàm Cỏ.

 

PGS. TS Phạm Trung Lương cho biết: “Đề án này sẽ khắc phục được vấn đề trùng lặp các sản phẩm du lịch giữa các địa phương vùng ĐBSCL đã diễn ra từ lâu. Ví dụ cùng có Cù Lao nhưng tỉnh này chỉ làm về vườn trái cây, còn tỉnh khác sẽ làm homestay…, như vậy sẽ cùng giúp nhau phát triển. Bên cạnh đó, vấn đề liên kết giữa các vùng vốn đã được đặt ra từ lâu nhưng chưa phát huy hiệu quả do chưa có “nhạc trưởng” sẽ được giải quyết. Với Đề án Thành lập Ban Điều phối phát triển du lịch vùng ĐBSCL, Ban Điều phối sẽ đóng vai trò nhạc trưởng”.

 

Ông Lương cũng cho biết, để Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” phát huy được hiệu quả thì còn phải tính đến nhiều vấn đề đi kèm như: Hạ tầng kết nối; Đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL; Công tác xúc tiến quảng bá; Bảo vệ môi trường; Kế hoạch ứng phó với biển đổi khí hậu.

 

Hai Đề án này đã được đưa ra bàn thảo, góp ý 2 lần tại Hà Nội, TP HCM và dự kiến sẽ được bổ sung, hoàn thiện vào cuối năm 2014. Hy vọng rằng khi đó, du lịch ĐBSCL sẽ xác định được vai trò “nhạc trưởng”, hình thành được sản phẩm du lịch đặc thù của vùng để từng bước xây dựng thương hiệu du lịch riêng của vùng và đem lại chuyển biến mạnh mẽ cho các hoạt động du lịch trong khu vực./.

 

Hồng Dương