Để du lịch cộng đồng cất cánh

Phát triển du lịch cộng đồng và xây dựng nông thôn mới là hai chính sách lớn được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Chính sách trong hai lĩnh vực này đều nhằm mục đích chung là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng nông thôn nói chung và vùng sâu, vùng xa nói riêng.

 Nhiều khó khăn

Chương trình xây dựng nông thôn mới ở nước ta những năm qua đã đạt nhiều thành tựu đáng kể, diện mạo nông thôn đã có sự thay đổi lớn. Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có để tạo thêm việc làm từ cung ứng dịch vụ, gia tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, nâng cao nhận thức và trình độ dân trí của cộng đồng trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống, tài nguyên, môi trường, cảnh quan, phát triển kinh tế – xã hội tại điểm đến và đặc biệt có ý nghĩa trong quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước. Để xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo định hướng của Đảng, Nhà nước, cần phải có một số giải pháp phát triển du lịch cộng đồng phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam hiện nay.

Du lịch cộng đồng xuất hiện từ đầu những năm 1990 tại một số tỉnh, thành phố của Việt Nam như Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Nam. Đến nay, loại hình này đã lan rộng tại hầu khắp các địa phương trên cả nước và du lịch cộng đồng được xác định là một trong 4 dòng sản phẩm chính được ưu tiên đầu tư trong Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Thực tế chứng minh, du lịch cộng đồng đem lại nhiều lợi ích về kinh tế – xã hội cho người dân địa phương thông qua tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống và có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Một số điểm du lịch như Sa Pa (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình), Mộc Châu (Sơn La), Hội An (Quảng Nam)… đã góp phần thay đổi sinh kế cho người dân địa phương. Từ những vùng quê kinh tế còn khó khăn, nhờ hoạt động du lịch, sinh kế của người dân đã được cải thiện rõ rệt, từng bước bắt kịp những tỉnh, địa phương có hoạt động kinh tế – xã hội phát triển.

Tuy nhiên, đây chỉ là số ít đối với những mô hình được quy hoạch và khai thác hiệu quả ở Việt Nam. Trên thực tế việc phát triển đang còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cũng như các nhà tài trợ, dự án chưa thường xuyên, liên tục, hoạt động kém hiệu quả, thường chấm dứt hoạt động sau khi hết thời gian thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư, tài trợ, viện trợ. Quản lý lỏng lẻo, tình trạng bản sắc văn hóa bị mất dần do thương mại hóa du lịch; người dân và người quản lý thiếu kiến thức và kinh nghiệm, cũng như năng lực quản trị và vận hành; mức độ sẵn lòng tham gia của cộng đồng chưa cao, phát triển còn nhỏ lẻ, chưa đủ uy tín và lợi ích đem lại cho cộng đồng. Chưa phát huy hết nguồn lực, phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng. Chưa có sự liên kết giữa các nhóm ngành nghề, thiếu chính sách hỗ trợ, quy hoạch; phát triển chủ yếu theo phong trào nên chưa đạt được như kỳ vọng các mục tiêu đề ra. Lợi ích không đồng đều, nảy sinh mâu thuẫn giữa các chủ thể tham gia, hay sự liên kết kém bền vững trong quan hệ giữa chính quyền – doanh nghiệp – cộng đồng – và khách du lịch.

Góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững

Để phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước cần phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về thể chế và cơ chế chính sách; phát triển sản phẩm; phát triển nguồn nhân lực; về cơ sở hạ tầng, cơ sở dịch vụ vật chất kỹ thuật; liên kết và hợp tác; bảo vệ, tôn tạo tài nguyên và cải thiện môi trường…

Tiếp tục hoàn thiện có hệ thống cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và dịch vụ; ưu đãi về thuế, phí, vốn vay, xúc tiến sản phẩm, thương mại dịch vụ. Tạo điều kiện để cộng đồng tham gia ở các mức độ khác nhau trong quá trình xây dựng, kiểm tra, giám sát. Phát triển gắn với lợi ích của cộng đồng địa phương, giúp dần cải thiện mức sống, xóa đói giảm nghèo và chia sẻ thịnh vượng giữa các địa phương, khu vực với nhau nhờ chuyển đổi sinh kế sang dịch vụ du lịch và các hoạt động phi nông nghiệp khác.

Khảo sát, phân tích, đánh giá chi tiết, có hệ thống các nguồn lực, tài nguyên, văn hóa của địa phương để định hướng, quy hoạch, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch hỗ trợ đầu tư và đẩy mạnh xúc tiến quảng bá lợi thế của địa phương. Chủ động hội nhập, tìm kiếm thị trường, thu hút nguồn vốn và hợp tác cùng phát triển; huy động hỗ trợ và đầu tư có chiều sâu, nâng tầm về sản phẩm và dịch vụ, tạo thành điểm nhấn của điểm đến, từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu cho địa phương mình.

Đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cộng đồng, coi cộng đồng là trung tâm, đóng vai trò quan trọng; ưu tiên tuyển chọn người địa phương để đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, phù hợp với khả năng, trình độ trong hoạt động du lịch; nâng cao tính chuyên nghiệp cho người dân tại địa phương, đáp ứng yêu cầu trong xu thế hội nhập và cạnh tranh; tăng cường công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng. Quy hoạch cụ thể, đồng bộ cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất dịch vụ kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch. Thiết kế và xây dựng dựa vào những vật liệu sẵn có từ địa phương và đảm bảo không phá vỡ không gian cảnh quan vùng quê, đặc trưng của vùng, miền…

Thiết lập và tăng cường sự liên kết, chia sẻ lợi ích giữa các chủ thể tham gia trong cộng đồng. Xác lập được vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng bên liên quan trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới như: Cộng đồng người dân tại chỗ – Cơ quan quản lý nhà nước – Doanh nghiệp du lịch, cơ sở cung cấp sản phẩm, dịch vụ – Khách du lịch – Cơ quan truyền thông – Các chủ thể liên quan khác. Tiếp cận theo hướng quan điểm tư duy có hệ thống trong sự liên kết không gian và liên kết ngành.

Bảo tồn và phát huy tối đa tiềm năng, giá trị văn hóa cộng đồng, khôi phục phát triển các nghề thủ công truyền thống, cải thiện điều kiện vệ sinh và cảnh quan môi trường, hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ thiết yếu như: nhà khách, nhà vệ sinh, bãi đậu xe, khu ăn uống, vui chơi giải trí, biển chỉ dẫn, dụng cụ hoạt động cộng đồng, ca múa nhạc… khu vực sản xuất nông nghiệp, làng nghề, vận chuyển và chế biến các sản phẩm nông sản, xây dựng sản phẩm nông thôn mới, hạn chế tác động đến môi trường tự nhiên của điểm đến.

Hồ Trung Thành

Báo Văn hóa – baovanhoa.vn