Đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho nông sản Yên Bái

Ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận, mở rộng thị trường, các sở, ngành, địa phương đã tăng cường hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho doanh nhân, tập trung vào hỗ trợ thiết kế xây dựng tờ rơi, thông tin về việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, tư vấn bảo hộ độc quyền nhãn hiệu hàng hoá... giúp doanh nghiệp quảng bá giới thiệu sản phẩm tới các bạn hàng.

Tỉnh Yên Bái hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, siêu thị lớn

Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, tỉnh Yên Bái đã quy hoạch, xây dựng được các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung như: vùng quế trên 70.000 ha, măng tre Bát độ trên 4.000 ha, vùng chè trên 12.000 ha với sản lượng chè búp tươi đạt trên 75.000 tấn/năm, đứng thứ hai toàn quốc. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, tỉnh Yên Bái đã có 234 sản phẩm OCOP, trong đó có 25 sản phẩm 4 sao, 209 sản phẩm 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Để đưa các sản phẩm này đến tay người tiêu dùng, tỉnh chú trọng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường. Sở Công Thương tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan tổ chức các đoàn khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử có uy tín trong và ngoài nước như: Alibaba, Sendo, Shopee, Voso, Postmart…

Ông Đoàn Lê Khoa – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương cho biết: “Ngoài việc nâng cao chất lượng, tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 20 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đạt các tiêu chí theo quy định của Bộ Công Thương. Các hoạt động quảng bá, kết nối giao thương giúp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đến người dân trong nước và quốc tế được triển khai”.

Được biết, trong năm 2023, Sở Công Thương tỉnh chủ trì tổ chức gian hàng của tỉnh tham gia Hội chợ xuất – nhập khẩu hàng hóa Côn Minh – Trung Quốc; tổ chức chương trình kết nối giao thương với các doanh nghiệp nước ngoài theo hình thức trực tuyến; tổ chức điểm cầu trực tuyến tham dự 5 hội nghị trực tuyến giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tham gia 8 hội nghị kết nối giao thương với các doanh nghiệp Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Campuchia…

Nổi bật trong xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản phối hợp với Công ty cổ phần R.Y.B thực hiện giới thiệu, chào hàng đối với trên 30 sản phẩm chủ lực; đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh sang thị trường các nước châu Âu như: Anh, Pháp, Đức…

Ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận, mở rộng thị trường, các sở, ngành, địa phương đã tăng cường hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho doanh nhân, tập trung vào hỗ trợ thiết kế xây dựng tờ rơi, thông tin về việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, tư vấn bảo hộ độc quyền nhãn hiệu hàng hoá… giúp doanh nghiệp quảng bá giới thiệu sản phẩm tới các bạn hàng.

Qua đánh giá, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, các mặt hàng của tỉnh, nhất là các sản phẩm OCOP đã được thị trường tin dùng, lựa chọn sử dụng. Cũng từ đó, các đơn vị doanh nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm.

Các cấp, các ngành của địa phương tiếp tục làm tốt vai trò tuyên truyền, vận động giúp thay đổi nhận thức, thói quen người tiêu dùng khi sử dụng hàng nội địa và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương và đất nước phát triển.

Hùng Cường

Báo Yên Bái – baoyenbai.com.vn