Theo đánh giá của đơn vị tư vấn, hiện nay một số hạng mục tại Vườn Quốc gia Tràm Chim đang bị xuống cấp, quy mô và kết cấu hạ tầng nhìn chung còn yếu, không đủ khả năng phục vụ theo nhu cầu ngày càng phát triển; nhất là đối với nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn các giá trị của khu Ramsar, cũng như xu hướng phát triển của các hoạt động du lịch phục vụ du khách.
Việc đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng là hết sức cần thiết, không chỉ góp phần thiết lập cơ chế quản lý chế độ ngập nước ở các phân khu chức năng, đáp ứng mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, giảm nguy cơ cháy rừng và đồng cỏ trong mùa khô, mà còn nhằm xây dựng và phát triển bền vững du lịch sinh thái, bảo tồn những giá trị của Vườn và từng bước nâng cao đời sống của người dân trong vùng.
Theo đó, dự án gồm các hạng mục như: đầu tư hệ thống đường kết nối trung tâm Vườn đến các điểm du lịch thuộc các phân khu A1, A2, A3, A4, A5; nạo vét các ao hồ, kênh mương, bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch; xây dựng giếng cấp nước; sửa chữa các cống C1, C2, C3, C4, C5, C6 v.v. với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 90 tỷ đồng.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Dương yêu cầu đơn vị tư vấn đảm bảo việc đầu tư hạ tầng phải gắn với nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững các sinh cảnh rừng tràm, đồng cỏ ngập nước và các sinh cảnh khác, bảo tồn các loài chim quý hiếm, đặc biệt là sếu đầu đỏ; đồng thời phối hợp Vườn Quốc gia Tràm Chim nghiên cứu, mở thêm loại hình du lịch homestay để thu hút du khách.
Văn Khương