Du lịch nông thôn chính thức trở thành nội dung quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Quảng Nam đã làm gì để du lịch góp phần hỗ trợ xây dựng nông thôn mới?
Dư địa phát triển du lịch nông thôn của Quảng Nam còn rất lớn. Ảnh: X.H
Xu hướng tìm về nông thôn
Quảng Nam có nguồn tài nguyên bản địa phong phú. Dư địa cho du lịch nông thôn (DLNT) của tỉnh phát triển còn khá lớn.
Nhiều điểm du lịch cộng đồng nông thôn đã đầu tư hoạt động. Có thể thấy, từ vùng ven biển đến miền núi của Quảng Nam đều có những điểm đến hấp dẫn, là nơi check-in tự phát của nhiều người, thậm chí có tên trong các trang mạng xã hội của dân phượt.
Một xu hướng du lịch hiện rõ khi từ du khách phương tây đến cư dân đô thị trong nước đã không còn muốn đến các khu du lịch, nghỉ dưỡng nhân tạo sang trọng.
Họ mong muốn hòa mình, thưởng ngoạn những cảnh quan thiên nhiên đẹp. Hay đơn giản hơn, về nông thôn để tìm về nguồn cội, về tuổi thơ, tránh những ồn ào của đô thị.
Nhận diện trở lực
Dù có những khởi sắc nhưng vẫn còn đó câu hỏi làm sao để DLNT góp phần tăng thu nhập của cư dân bản địa và có tỉ trọng khá trong cơ cấu kinh tế nông thôn?
Như các ngành kinh tế khác, để hiện thực hóa các tiềm năng đòi hỏi nhiều điều kiện, nên DLNT cũng không thể vội.
Điều tiên quyết, cần các chủ thể đầu tư có năng lực. Nhưng thực sự rất khó để tìm ra họ.
Các doanh nghiệp lớn thường tìm những địa điểm có lợi thế cảnh quan thiên nhiên đặc sắc để đầu tư thành khu phức hợp hơn là lựa chọn một địa điểm DLNT tách rời.
Trong khi đó, chẳng mấy khi những khách đoàn phải vượt hàng trăm cây số đường bộ, để chỉ thưởng ngoạn thắng cảnh và vài sản phẩm du lịch ở làng quê xa xôi.
Đây cũng là lý do các điểm du lịch cộng đồng nông thôn ở xa các trung tâm, các khu du lịch lớn ít khách. Làng rau Trà Quế, điểm lò gạch Duy Vinh… có lượng du khách đến thường xuyên là nhờ lợi thế gắn với trung tâm du lịch phố cổ Hội An.
Tuy nhiên, một điểm DLNT chỉ để khách đến tham quan rồi rời đi ngay và không có sản phẩm, dịch vụ gì để bán cho khách thì cư dân bản địa cũng chẳng được lợi gì.
Do vậy, việc thiết kế cho khách đi theo tuyến cũng như đa dạng các sản phẩm du lịch, đủ sức hấp dẫn du khách trong nhiều ngày mới làm nên một tour du lịch. Từ lưu trú, bán các sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương cho đến các hoạt động thương mại, dịch vụ do người dân thực hiện thì mới tạo thành cơ hội phát triển.
Vài gợi ý
Theo tôi, có hai sự lựa chọn về mô hình phát triển du lịch cộng đồng nông thôn.
Việc hỗ trợ lập hợp tác xã du lịch cộng đồng hoặc các doanh nghiệp khởi nghiệp là giải pháp khả thi để sớm đưa địa điểm DLNT vào hoạt động. Đây là điều Quảng Nam đang thực hiện.
Nhưng có lẽ, do hạn chế về năng lực quản trị kinh doanh du lịch, tài chính đầu tư nên họ khó có thể tạo ra những sản phẩm du lịch, dịch vụ đặc sắc, cao cấp. Do đó, các chủ thể này cần được hỗ trợ một phần chi phí đầu tư cơ sở vật chất, tập huấn, đào tạo, giúp kết nối để hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành để đưa vào tour, tuyến.
Quảng Nam hiện có một số doanh nghiệp du lịch đang hoạt động DLNT. Họ rất lợi thế khi mở rộng đầu tư sang các điểm DLNT khác theo một tuyến du lịch – cũng là đầu tàu hoạt động theo “mô hình doanh nghiệp tàu kéo”.
Ví dụ trục văn hóa – nông dược từ Hội An đến Nam Trà My được gợi ý trong Đề án OCOP và nay đã đưa vào Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tuyến này xuất phát từ các làng nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp đi từ Hội An đến du lịch sinh thái biển (có cả làng bích họa Tam Thanh), nối tiếp đến làng Cà Ban (Tam Ngọc), du lịch sinh thái hồ Phú Ninh.
Sau đó, đến Tiên Phước (có làng cổ Lộc Yên, nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng và một số thắng cảnh khác), rồi tới Trà My – nơi có thắng cảnh của thác nước, rừng nguyên sinh, các làng du lịch cộng đồng dân tộc, gắn với sản phẩm sâm Ngọc Linh, quế Trà My nổi tiếng, cùng nhiều loại dược liệu quý hiếm khác.
Cả tuyến du lịch sẽ nằm trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp đầu tàu nhưng họ có thể lựa chọn đầu tư toàn bộ hoặc một số nội dung ở một số điểm. Còn lại, tổ chức hợp tác, liên kết với các đối tác là doanh nghiệp nhỏ, HTX.
Chính quyền cần có quy định và giám sát đánh giá để bảo đảm các điểm do đối tác đầu tư cũng như cung cấp cho du khách chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn chung của doanh nghiệp đầu tàu.
Ở chiều ngược lại, sự tham gia của cộng đồng vào việc chọn lựa các chính sách, tổ chức thực hiện, cho đến giám sát, đánh giá những nội dung liên quan đến tài nguyên bản địa, bảo vệ cảnh quan môi trường phải được bảo đảm.
Nếu vận hành khoa học, DLNT sẽ có chỗ đứng tương xứng với tiềm năng và xu thế, tạo tác động tương hỗ tích cực nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo Quy hoạch của tỉnh vừa được công bố.
Lê Muộn
Báo Quảng Nam Online – baoquangnam.vn