Du lịch cộng đồng tại Việt Nam được nhiều chuyên gia du lịch đánh giá là “mỏ vàng”, hứa hẹn mang lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch và người dân tại các địa phương. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cần có định hướng, kế hoạch phát triển bài bản, nâng cấp cơ sở hạ tầng và có chính sách phù hợp hỗ trợ người dân phát triển du lịch một cách bền vững.
Nhìn lại hành trình sau hơn 20 năm du lịch cộng đồng du nhập vào Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch Rustic Hospitality Group, Giám đốc đổi mới sáng tạo dự án du lịch Thuỵ Sĩ vì sự phát triển bền vững chia sẻ, thời kỳ trước, du lịch cộng đồng gắn với mục đích xoá đói giảm nghèo, lấy du lịch làm công cụ giúp cho người dân tăng thêm thu nhập, ổn định công ăn việc làm.
Ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch Rustic Hospitality Group, Giám đốc đổi mới sáng tạo dự án du lịch Thuỵ Sĩ vì sự phát triển bền vững chia sẻ với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay, cách thức xây dựng mô hình này đã được đổi mới rất nhiều. Trái ngược với định nghĩa du lịch cộng đồng là phục vụ du khách có mức chi trả thấp, thu nhập của người dân chủ yếu đến từ cung cấp dịch vụ ăn, ngủ với giá rẻ thì du khách trong thời kỳ mới có nhu cầu lớn về trải nghiệm du lịch, họ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ cao cấp của du lịch cộng đồng.
Nên thay vì chỉ khai thác trên chính ngôi nhà, thửa ruộng, mảnh vườn của mình, những chủ homestay cần biết kết hợp với các doanh nghiệp trong thu hút khách, khai thác các hình thức trải nghiệm văn hóa cộng đồng… trên cơ sở phân chia hài hòa lợi ích. Đó là cách vừa giữ gìn, lan tỏa được văn hóa bản địa, vừa phát triển được du lịch cộng đồng một cách bền vững.
Phân tích điểm yếu của mô hình du lịch cộng đồng, theo ông Bích, mô hình du lịch cộng đồng hiện nay thường do các tổ chức phi Chính phủ hoặc Chính phủ tài trợ trong thời hạn 3-5 năm. Do đó, sau quá trình này, chất lượng dịch vụ của mô hình này thường suy giảm và mai một dần theo thời gian. Các dự án này sau khi hết thời hạn sẽ không chuyển giao cho doanh nghiệp dẫn dắt và tiếp tục xây dựng để phát triển.
Cùng với đó, các mô hình du lịch cộng đồng ít khi có thể tự thực hiện các chiến dịch quảng bá, tiếp thị lớn nhằm thu hút khách, một phần vì không có năng lực, phần khác là không có kinh phí.
Bên cạnh đó, việc thiếu cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế và hạ tầng cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch cộng đồng cũng là một trong những rào cản lớn để phát triển loại hình du lịch này. Việc thiếu sự phối hợp và gắn kết giữa các bên liên quan, khiến cho ngành Du lịch phát triển manh mún, ảnh hưởng xấu đến chất lượng của các sản phẩm du lịch cộng đồng …
“Muốn du lịch cộng đồng phát triển đòi hỏi cơ quan quản lý cần coi đó là một trong những nội dung không thể thiếu trong các chính sách phát triển du lịch của Việt Nam.” – Chủ tịch Rustic Hospitality Group nhấn mạnh giải pháp giúp phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
Mô hình du lịch cộng đồng tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa với những sinh hoạt rất đời thường và những món ăn dân dã đậm chất địa phương.
Để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, cần xây dựng và thực hiện các chính sách pháp luật, quy chế quản lý đồng nhất; khuyến khích người dân tham vào du lịch cộng đồng, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng về làm du lịch; phát huy nguồn lực xã hội, tăng cường liên kết các chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng; xây dựng mỗi cộng đồng một sản phẩm để tránh trùng lặp; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, hợp tác quốc tế và hội nhập; tạo ra chuỗi giá trị liên kết giữa đơn vị vận chuyển – đơn vị lưu trú – đơn vị xây dựng tour trong cộng đồng và liên thông với các tour tuyến khác để đa dạng hoá sản phẩm.
Ông Nguyễn Ngọc Bích cũng cho rằng, chúng ta cần xây dựng tiêu chí mô hình du lịch cộng đồng chuẩn, mô hình du lịch bền vững gắn với trách nhiệm chặt chẽ của các bên tham gia.
Minh Châu
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp – diendandoanhnghiep.vn