Nhiều kỳ vọng từ doanh nghiệp
Mới đây, Công ty TNHH MTV Thương mại & Dịch vụ An Phát, phường Nghĩa Trung (TP. Gia Nghĩa) đã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại Hàn Quốc. Đây là chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia nhằm kết nối giao thương nông sản, thực phẩm khu vực Tây Nguyên và Hàn Quốc.
Theo bà Trần Thị Dịu, Giám đốc Công ty, trong chuỗi các hoạt động, nhiều sản phẩm của Công ty đã được giới thiệu. Cụ thể như các sản phẩm sầu riêng sấy thăng hoa, rong biển kẹp hạt, thanh cơm lứt ngũ cốc… Trong đó, sản phẩm thanh cơm lứt ngũ cốc đã đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao. Qua giới thiệu, quảng bá, bước đầu các đối tác nước bạn đánh giá khá cao sản phẩm của Công ty. Một số đối tác của Hàn Quốc đã ký văn bản hợp tác tiêu thụ sản phẩm của Công ty.
Đại diện Công ty TNHH MTV Thương mại & Dịch vụ An Phát (người mặc áo trắng) ký kết thảo thuận hợp tác với doanh nghiệp Hàn Quốc
Công ty hy vọng có thể xúc tiến các bước hợp tác sâu, rộng hơn nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm vào nội địa Hàn Quốc. “Hàn Quốc là một thị trường khó tính. Nếu như sản phẩm của An Phát có thể vào được nước bạn thì sẽ trở thành bàn đạp lớn để có thể vào các thị trường khác”, bà Dịu kỳ vọng.
Ngoài hoạt động trên, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp Đắk Nông cũng đã tham gia nhiều chương trình kết nối, quảng bá, xúc tiến cung cầu sản phẩm OCOP trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp coi việc bảo đảm chất lượng hàng hóa là điều kiện bắt buộc trong xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Tất cả các sản phẩm đều được các doanh nghiệp chọn lựa kỹ càng về nguyên liệu đầu vào với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Doanh nghiệp đầu tư hệ thống kho, xưởng, máy móc, trang thiết bị tiên tiến để tập trung cho chất lượng sản phẩm. Từ bao bì, giá trị dinh dưỡng bên trong đều được chú trọng nhằm nâng cao sức khỏe cho người dùng. Qua đó có thể giúp sản phẩm vươn xa, tiếp cận được nhiều đối tác trong và ngoài nước.
Sản phẩm thanh cơm lứt ngũ cốc OCOP 3 sao của Công ty TNHH MTV Thương mại & Dịch vụ An Phát, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã được giới thiệu tại Hàn Quốc
Trong năm 2023, HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà (Cư Jút) tham gia nhiều sự kiện nhằm giới thiệu, quảng bá, kết nối cung cầu cho sản phẩm bún gấc thiên nhiên. Sản phẩm này đạt OCOP hạng 3 sao năm 2021. Các hoạt động HTX đã tham gia như: Lễ hội đặc sản vùng miền ở TP. Thủ Đức (TP. HCM); Lễ hội đặc sản vùng miền Vinpearl Nha Trang; Hội chợ Công thương vùng Tây Nguyên – Đắk Nông…
Bún gấc của HTX Nông Lâm nghiệp Nam Hà, huyện Cư Jút (Đắk Nông) được thị trường biết đến nhanh nhờ xúc tiến thương mại
Anh Trần Đình Lượng, Giám đốc HTX Nam Hà cho biết, việc tích cực tham gia các hoạt động kết nối, kích cầu đã giúp cho sản phẩm của HTX đến nhanh hơn với người tiêu dùng. Bởi bún là sản phẩm quen thuộc của người dân Việt Nam, với hình ảnh bún trắng, thành phần chính là gạo. Nhưng bún gấc khác hơn một chút với thành phần chính là gạo, gấc. Nó không chỉ có hình thức khác hơn ở màu đỏ mà chất lượng sản phẩm cũng cao hơn vì bổ sung thành phần dinh dưỡng từ quả gấc.
Bún gấc là sản phẩm OCOP đặc trưng địa phương gắn với vùng đất núi lửa, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Do đó, việc xúc tiến thương mại được các cấp, ngành, đoàn thể quan tâm. Bún gấc là sản phẩm mới, giá thành cao hơn các loại bún khác, song nhận được nhiều phản hồi tích cực từ thị trường. Bởi xu hướng chung của người tiêu dùng thông minh đều là sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc nguyên liệu từ tự nhiên, an toàn cho sức khỏe.
Hơn nữa sản phẩm bún gấc của HTX đáp ứng được các yếu tố như dinh dưỡng, dễ chế biến. Hằng năm, HTX sản xuất, cung cấp 3.000 kg bún gấc ra thị trường. “Với việc tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, sự đánh giá khá cao của người dùng, HTX kỳ vọng, cuối năm 2023 và năm 2024, sản lượng bún gấc cung ứng ra thị trường sẽ lớn hơn rất nhiều”, anh Lượng cho biết.
Đắk Nông hiện có 60 sản phẩm của 54 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó có 7 sản phẩm OCOP hạng 4 sao; 53 sản phẩm hạng 3 sao. Các sản phẩm OCOP đều có tính đặc trưng, tiêu biểu của các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, được các cấp, ngành, doanh nghiệp ưu tiên kết nối, xúc tiến thương mại. |
Tiếp cận thị trường rộng rãi
Năm 2023, ngoài nguồn vốn xúc tiến thương mại Quốc gia, Đắk Nông đã phê duyệt 750 triệu đồng thực hiện 5 đề án về xúc tiến thương mại địa phương. Theo báo cáo của ngành chức năng, đến nay, nhiều công việc đã hoàn thành, đạt kết quả cao, như tổ chức các đoàn tham gia hội chợ tại các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên, các tỉnh phía Bắc .
Điển hình là tỉnh tổ chức thành công Hội chợ Công Thương vùng Tây Nguyên – Đắk Nông 2023 từ ngày 29/6- 4/7. Tại đây, các doanh nghiệp đã giới thiệu, quảng bá nhiều sản phẩm, trong đó có sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng, đặc sản tỉnh Đắk Nông. Hội chợ với quy mô 286 gian hàng, với sự tham gia của 141 đơn vị. Hội chợ thu hút khoảng 20.000 lượt khách tham quan, mua sắm. Tổng doanh số bán hàng tại hội chợ đạt trên 20 tỷ đồng. Đã có 17 hợp đồng thoả thuận hợp tác được ký kết tại hội chợ giữa các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh.
Đơn vị chuyên môn thuộc tỉnh cũng đã tổ chức để 5 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia 5 gian hàng tại Hội chợ Triển lãm tại tỉnh Mondulkiri (Campuchia). 4 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh của tỉnh tham dự Hội nghị Hợp tác Kinh doanh và Đầu tư giữa tỉnh Lâm Đồng và Ấn Độ, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng). 8 doanh nghiệp Đắk Nông tham dự Hội nghị Kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp các sản phẩm nông sản với các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ xuất khẩu năm 2023, tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Sở Công thương Đắk Nông phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho kinh tế tập thể và hợp tác xã tỉnh…
Với những nỗ lực của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và của ngành chức năng, sản phẩm OCOP Đắk Nông ngày càng được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.
Hồng Thoan
Báo Đắk Nông – baodaknong.vn