Đắk Nông hiện có 170 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là lợi thế lớn cho phát triển du lịch nông nghiệp trải nghiệm. Thực tế hiện nay, Đắk Nông đã có 12 HTX tham gia đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, nhưng mức độ thành công còn khiêm tốn.
Ông Đặng Quốc Dưỡng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Đắk Nông đánh giá: “Chúng ta cần hỗ trợ các HTX đầu tư phát triển du lịch vì kinh phí đầu tư thấp, nhưng lợi ích mang lại cao. Nông dân tham gia vào HTX có triển khai hoạt động du lịch còn là “kênh” tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp”.
Thực tế, từ các HTX cho thấy, du khách đến Đắk Nông rất thích khám phá sắc màu văn hóa, lễ hội của các dân tộc trong cộng đồng. Du khách thích thú khi tham quan các căn nhà cổ, vườn cây ăn trái, thác nước, di tích lịch sử.
Các món ăn của người dân tộc bản địa như cơm lam, rau rừng, ngủ trong nhà sàn của đồng bào, tổ chức đốt lửa trại, vui chơi tập thể… để lại ấn tượng tốt đẹp trong mỗi chuyến du lịch. Từ thực tế này, Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông mong muốn ngành văn hoá, du lịch cần nghiên cứu sâu tiềm năng này.
Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông nêu giải pháp: Muốn phát triển du lịch cần thiết đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm và xã hội hoá ngành du lịch để cho người dân, các HTX tham gia đầu tư, kinh doanh, thu hút nguồn vốn và đa dạng hoá sản phẩm du lịch. Tỉnh cần quan tâm tạo điều kiện để các HTX tham gia, hình thành các khu du lịch tương xứng, tạo điểm nhấn của du lịch Đắk Nông nói riêng, vùng Tây Nguyên và cả nước nói chung.
Nhiều HTX ở Đắk Nông sản xuất nông nghiệp sạch, phong phú về sản phẩm đang góp phần tạo ra các thương hiệu sản phẩm du lịch chất lượng cao phục vụ du lịch, đáp ứng thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước. Nếu HTX được tham gia vào các tour, tuyến du lịch mang tính đặc thù và tạo ra sản phẩm du lịch gắn với bản sắc văn hoá dân tộc, văn hoá phi vật thể của người M’nông, các dân tộc khác của Tây Nguyên trên đất Đắk Nông sẽ tạo ra điểm nhấn du lịch thú vị.
“Điều quan trọng nhất hiện nay để các HTX phát triển du lịch đó là rất cần có chính sách linh hoạt trong chuyển đổi đất nông nghiệp sang khai thác phát triển du lịch. Tháo gỡ được “nút thắt” này cũng có nghĩa HTX dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, từ đó mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà lưu trú, nghỉ dưỡng, các dịch vụ… trên vùng đất phát triển du lịch”, ông Đặng Quốc Dưỡng nhấn mạnh.
Tỉnh có chính sách, cơ chế đặc thù về giao đất, giao rừng, cho thuê đất ở những khu vực rừng quốc gia, khu di tích sẽ giúp HTX khai thác phát triển du lịch tốt hơn. Ngoài ra, các HTX cần được hỗ trợ đào tạo kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, phục vụ du lịch cho nông dân, thành viên.
Đắk Nông có nhiều thác, hồ đẹp như cụm thác Đray Sáp – Gia Long – Trinh Nữ, thác Đắk Glun, thác Liêng Nung, hồ Tây, khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, vườn quốc gia Tà Đùng… Các giá trị văn hóa truyền thống của khoảng 40 dân tộc trên mọi miền đất nước cùng hội tụ làm cho văn hóa các dân tộc ở Đắk Nông đa sắc màu.
Đặc biệt, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông và Kông gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đều là di sản văn hóa phi vật thể có giá trị quý báu để Đắk Nông khai thác phát triển du lịch.
Di tích N’Trang Lơng, di tích N’Trang Gưh, nhà ngục Đắk Mil, di tích lịch sử cách mạng căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV, điểm di tích lịch sử cấp quốc gia Địa điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam bộ…. là những điểm đến thú vị của du khách.
Thanh Nga
Báo Đắk Nông – baodaknong.vn