Huyện Krông Ana không chỉ được biết đến với vùng đất trù phú, yên bình mà còn là địa phương nổi tiếng với nhiều sản phẩm OCOP. Đến nay, địa phương đã phát triển được 6 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, gồm: Bột ca cao nguyên chất, bột ca cao 3 in 1, kẹo sôcôla sữa, kẹo sôcôla đen của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (xã Ea Na); Cà phê bột robusta của Công ty TNHH Ê ĐÊ cafe (xã Dray Sáp); gạo Nhật Minh của HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh (xã Bình Hòa)…
Anh Y Pốt Niê, Giám đốc Công ty TNHH Ê ĐÊ cafe giới thiệu sản phẩm đạt OCOP 4 sao của đơn vị với người tiêu dùng trong nước |
Cà phê là sản phẩm đặc trưng của Đắk Lắk và ở xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) sản phẩm Ê ĐÊ cafe đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước một phần nhờ biết phát huy được những giá trị văn hóa, đưa câu chuyện vào trong sản phẩm cà phê. Với danh mục lên tới 10 dòng sản phẩm hiện có, từ cà phê hạt, cà phê bột đến cà phê hòa tan, thương hiệu Ê ĐÊ cafe đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Trong đó, ấn tượng nhất là sản phẩm cà phê rang củi chế biến theo kiểu truyền thống của đồng bào Êđê. Đây là công thức được anh Y Pốt Niê, Giám đốc Công ty TNHH Ê ĐÊ cafe tiếp thu từ thời cha ông truyền lại và cải tiến thêm. Chính sự khác biệt này là yếu tố độc đáo thu hút người tiêu dùng.
Anh Y Pốt chia sẻ, sản phẩm hình thành từ buôn làng, với nguyên liệu tại chỗ và giữ được vị nguyên bản từ khâu chọn nguyên liệu đến chế biến, đầu tư mẫu mã, bao bì… không chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng mà còn giữ được nét đặc trưng của cà phê theo phong cách đồng bào Êđê.
Kiên định với lối đi này cộng với việc tham gia vào chương trình OCOP, sản phẩm Ê ĐÊ cafe có cơ hội được trưng bày trong các sự kiện quan trọng của tỉnh, hỗ trợ tham gia vào các hội chợ, triển lãm nhiều hơn. Vươn ra khỏi thị trường trong nước, sản phẩm đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Canada, Đức… Động lực này càng khiến anh Y Pốt cùng với 100 thành viên nữa thắt chặt liên kết để xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, phát triển hơn nghề rang xay, chế biến cà phê ở buôn làng.
Từ lâu, huyện Krông Ana nổi tiếng với nghề trồng lúa nước. Từ các vựa lúa lớn ở các xã Bình Hòa, Quảng Điền, Dur Kmăl, thị trấn buôn Trấp, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm và có chiến lược lâu dài xây dựng thương hiệu gạo Krông Ana. Sản phẩm gạo Nhật Minh của HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh (xã Bình Hòa) đã được công nhận OCOP 4 sao. Đây cũng là đơn vị đầu tiên trên địa bàn đăng ký sử dụng nhãn hiệu “gạo Krông Ana”. Thời gian qua, HTX đã liên kết với người dân có truyền thống làm lúa nước, xây dựng chuỗi sản xuất khép kín với diện tích hơn 356 ha. Nhờ chính sách hỗ trợ về cơ chế, tiếp thị, quảng bá từ chương trình OCOP, sản phẩm gạo Nhật Minh đã khẳng định được thương hiệu, mang đậm nét đặc trưng của một vùng đất lúa nước ven sông mẹ (Krông Ana, còn gọi là sông mẹ).
Gạo Nhật Minh đã khẳng định được thương hiệu của sản phẩm được làm ra trên đất Krông Ana |
“Triển khai xây dựng chương trình OCOP, địa phương xác định tập trung phát triển những sản phẩm chủ lực, lợi thế, vừa tích hợp được giá trị kinh tế và giá trị văn hóa, bề dày lịch sử của địa phương, tạo đặc trưng, thương hiệu cho từng sản phẩm làm ra trên đất Krông Ana”. Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phạm Ngọc Hùng
|
Cùng với việc phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, huyện Krông Ana cũng đang tập trung các nguồn lực, khai thác tiềm năng lợi thế về văn hóa, du lịch để xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP du lịch.
Buôn Kuốp là điểm du lịch cộng đồng, với những nét văn hóa độc đáo, riêng biệt của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, có tiềm năng để phát triển thành sản phẩm OCOP du lịch.
Buôn Kuốp là một không gian thu nhỏ về không gian văn hóa Tây Nguyên, cung cấp các dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp trải nghiệm thực tế.
Để hướng tới trở thành sản phẩm OCOP du lịch, địa phương đang huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh tuyên truyền người dân, nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình; đồng thời đẩy mạnh kết hợp với điểm du lịch nổi tiếng là: Cụm thác Dray Nur – Dray Sáp thượng để quảng bá, phát triển thị trường, đa dạng sản phẩm du lịch, thu hút khách.
Ông Phạm Ngọc Hùng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, hỗ trợ nông hộ ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; chú trọng tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất cho người dân gắn với liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn, có sức cạnh tranh cao, hướng tới giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn…
Đỗ Lan
Báo Đắk Lắk – baodaklak.vn