Đăk Hà – Kon Tum: Tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP

Thời gian qua, huyện Đăk Hà (Kon Tum) tập trung triển khai, phát triển sản phẩm OCOP. Đến nay, 7/11 xã, thị trấn của huyện đã có sản phẩm đạt OCOP với tổng số 19 sản phẩm được UBND tỉnh đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận; trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao, có 12 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.

Ông Nguyễn Minh Vương – Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết: Để đạt được kết quả này, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện đảm bảo quy trình canh tác từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến sản phẩm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh mạnh dạn đầu tư, chủ động nắm bắt thông tin, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Chính quyền địa phương phối hợp với các ngành chức năng tích cực hỗ trợ các chủ thể tập trung phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa, đồng bộ, bài bản, đáp ứng được các quy định, tiêu chuẩn cần thiết, thị hiếu của người tiêu dùng. Nhờ đó, số lượng sản phẩm OCOP ngày càng nhiều và có chất lượng, nhiều sản phẩm đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường như cà phê, gạo thơm, mật ong, các loại trái cây, dược liệu mang lại thu nhập ổn định cho người sản xuất.

Nhiều sản phẩm đặc trưng của huyện Đăk Hà đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Ảnh: T.H

Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế, số lượng sản phẩm OCOP của Đăk Hà vẫn còn khiêm tốn, chất lượng sản phẩm OCOP chưa cao, còn lúng túng trong lựa chọn sản phẩm, chủ yếu tập trung lựa chọn các sản phẩm sẵn có. Một số cơ sở chưa chủ động đưa sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, năng lực quản trị của các tổ chức kinh tế tham gia chương trình còn ở quy mô nhỏ, thiếu kiến thức về thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi.

Do đó, để nâng cao hiệu quả chương trình, thời gian tới, Đăk Hà tập trung tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường liên kết bền vững; chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường. Địa phương cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ năng lực cho các chủ thể OCOP, thúc đẩy phong trào phụ nữ, đoàn thanh niên khởi nghiệp gắn với phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát sản phẩm OCOP đảm bảo duy trì về chất lượng, sử dụng, phát huy nhãn hiệu sản phẩm OCOP sau khi được công nhận.

Nhiều chủ thể trên địa bàn huyện Đăk Hà đã đầu tư phát triển các sản phẩm OCOP từ cà phê. Ảnh: TH

Bên cạnh đó, để đưa sản phẩm OCOP của huyện vươn xa và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, huyện Đăk Hà cũng chú trọng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Hình thành các điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP trên địa bàn toàn huyện; từng bước gắn với các sản phẩm quà tặng, quà biếu và sản phẩm đặc sản địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông, quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP; đồng thời, triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân” nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP.

Mục tiêu mà Đăk Hà đặt ra là đến năm 2025 có ít nhất 20 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó xây dựng được ít nhất 4 sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia (sản phẩm 5 sao). Có ít nhất có 50% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 20% chủ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị khép kín, gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Có từ 30-40% sản phẩm OCOP của địa phương tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử.

Để chương trình OCOP thực sự phát triển hiệu quả và bền vững; cùng với sự đồng hành của các cấp chính quyền địa phương cần sự tham gia tích cực và nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trên địa bàn huyện Đăk Hà trong việc tạo ra các sản phẩm có chất lượng, chỗ đứng trên thị trường.

Thiên Hương

Báo Kon Tum – www.baokontum.com.vn