Đăk Glei – Kon Tum: Chú trọng phát triển và quảng bá sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), UBND huyện Đăk Glei (Kon Tum) chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích và hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia. Qua thực tế triển khai, nhiều sản phẩm OCOP của huyện Đăk Glei đã khẳng định được thương hiệu, được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.

Giữa tháng 8/2023, HTX Thương mại và Dịch vụ Đăk Glei khai trương cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại điểm dừng chân các tuyến vận tải hành khách Bắc- Nam (thuộc thôn Đăk Nớ, xã Đăk Pék); đánh dấu bước đột phá trong việc đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với mọi đối tượng khách hàng. Bên trong cửa hàng, hàng trăm sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của huyện Đăk Glei được bày bán “bắt mắt”, tạo được ấn tượng cho những khách hàng ghé thăm.

Anh Đinh Văn Cường, khách du lịch đến từ Đà Nẵng chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đến cửa hàng OCOP tại Kon Tum. Cửa hàng rất đa dạng sản phẩm như sâm dây, mật ong, chuối rừng, táo mèo, các loại nấm rừng. Khi thấy sản phẩm đạt chứng nhận OCOP thì tôi rất an tâm, mua về tặng cho người thân trong gia đình.

Đăk Glei có 3 cửa hàng bán sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của huyện. Ảnh: TL

Anh Ngô Quang Quyết- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Thương mại và Dịch vụ Đăk Glei cho biết: Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, HTX đang tập trung sản xuất, kinh doanh khoảng 10 loại dược liệu đặc trưng của huyện; trong đó, có 4 sản phẩm đạt OCOP hạng 3 sao gồm sâm dây Ngọc Linh, rượu sâm dây Ngọc Linh, cao sâm dây Ngọc Linh và măng nứa khô. Thời gian đến, HTX triển khai đăng ký công nhận OCOP các sản phẩm từ cây mắc ca, góp phần để ổn định đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm mắc ca trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, trên địa bàn huyện Đăk Glei có 11 sản phẩm của 7 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh; 45 sản phẩm được các chủ thể từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng gắn với thị hiếu tiêu dùng của thị trường.

Nhằm tăng cường phát triển các sản phẩm OCOP, từ đầu năm 2023, UBND huyện Đăk Glei kịp thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các đơn vị chủ thể đứng chân trên địa bàn tiến hành rà soát và đăng ký ý tưởng/sản phẩm thực hiện Chương trình OCOP. Kết quả, có 13 sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương của 9 tổ chức, hộ kinh doanh đăng ký tham gia. Cơ quan chức năng của huyện Đăk Glei đang tích cực hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng, hoàn chỉnh cơ sở pháp lý về bao bì, nhãn mác, mã vạch, mã QR, xây dựng website để đảm bảo các điều kiện công nhận sản phẩm đạt OCOP trong năm 2023.

Sâm dây tại huyện Đăk Glei được chế biến thành nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Ảnh: TL

Ông Nguyễn Hoàng Chương- Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch Đăk Glei cho biết: Năm 2023, HTX phấn đấu xây dựng sản phẩm bò 1 nắng đạt OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh. Trong quá trình thực hiện, HTX được cơ quan chức năng của huyện Đăk Glei hỗ trợ về hồ sơ, thủ tục pháp lý, tư vấn thêm về nhãn hiệu, mẫu mã bao bì. Bên cạnh đó, HTX tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm khác như gà địa phương, chả giò để đăng ký tham gia OCOP trong các năm tiếp theo.

Với mục tiêu phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ, huyện Đăk Glei tạo điều kiện thuận lợi để các sản phẩm của địa phương nói chung và các sản phẩm OCOP nói riêng tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, sàn giao dịch điện tử như website, tiki, shopee, lazada.

Đến nay, các sản phẩm OCOP của huyện Đăk Glei được trưng bày, giới thiệu tại hơn 20 tỉnh thành trong cả nước; kết nối được một số thị trường tiêu thụ lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và một số hệ thống siêu thị, nhà hàng, cửa hàng trong và ngoài tỉnh.

Bà Đinh Thị Y Ngọc- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Glei cho biết: Những năm qua, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực, tạo sức lan tỏa rộng rãi; từng bước thay đổi nhận thức người dân từ bán sản phẩm thô có giá trị thấp, sang sơ chế, chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm khi bán ra thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân. Các HTX, doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã chú trọng hơn trong việc đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để phục vụ cho quá trình chế biến, đóng gói, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm; chất lượng và mẫu mã các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của địa phương dần được nâng lên. Bên cạnh đó, việc phát triển sản phẩm OCOP cũng đã tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, xây dựng được các vùng liên kết trồng, bao tiêu sản phẩm về cây dược liệu, góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Đăk Glei.

Tấn Lộc

Báo Kon Tum – baokontum.com.vn