Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Giám đốc học viện IBH Academy tham gia đào tạo học viên tại một khóa học về nguyên tắc ứng xử của lễ tân. Ảnh: T.Y
Người dân học làm du lịch
“Lúc mới làm du lịch sinh thái, tôi phải cắp sách đi học từ đầu”, anh Phạm Tân Hưng, Giám đốc HTX Du lịch nông nghiệp sinh thái Trường Định (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) chia sẻ về thời gian tham gia các khóa học về du lịch. Theo anh, làm du lịch nông nghiệp sinh thái đòi hỏi kiến thức, kỹ năng đa dạng như kiến thức về môi trường, văn hóa, xã hội, có khả năng kinh doanh và quản lý rủi ro. Đặc biệt, phải am hiểu phong tục tập quán lẫn kỹ năng giao tiếp hiệu quả với người dân địa phương.
Chuyện làm du lịch sinh thái của anh Hưng tưởng dễ mà khó, nhất là khi các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh… đều đã hình thành những địa chỉ hút khách. Anh kể, sau thời gian chuẩn bị tương đối dài, Kokoro Farm của HTX Du lịch nông nghiệp sinh thái Trường Định hình thành trên diện tích đất nông nghiệp rộng 10ha. Bên cạnh dịch vụ làm nông nghiệp, du khách có thể tham gia trò chơi đuổi bắt vịt, lội bùn bắt cá, tắm suối, thả diều, đốt lửa trại, chăm sóc thú cưng và trải nghiệm cưỡi ngựa dọc cánh đồng xanh mướt. Dù vậy, làm thế nào để điểm đến khác hơn, đặc biệt hơn luôn là câu hỏi thường trực.
Theo anh Hưng, sau khi tham gia 2 khóa học “Cộng hưởng hệ sinh thái gia tăng giá trị cho đầu ra” và “Nội lực và ngoại lực, trụ cột xây dựng thương hiệu bền vững”, anh nhận ra để phát triển du lịch bền vững, cần dựa vào thế mạnh nông sản và sự tham gia trực tiếp của người nông dân. Từ suy nghĩ này, anh liên kết 12 hộ nông dân trong thôn trồng dưa hấu hữu cơ phục vụ du khách đến Kokoro Farm. Tiếp theo, anh bàn với địa phương mở Lễ hội dưa hấu thôn Trường Định.
“Đây là lần đầu tiên địa phương tổ chức lễ hội dưa hấu nên chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Cái khó không ít, nhưng cái được lớn nhất là sự bắt tay giữa doanh nghiệp và người nông dân trong xây dựng giá trị kinh tế nông nghiệp dựa trên du lịch. Thông qua hoạt động hái, mua dưa hấu tại ruộng, người trồng vừa bán được giá cao, vừa thoát khỏi cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa và yên tâm đầu tư sản xuất”, anh Hưng cho hay.
Thời gian qua, khách du lịch tìm về ngày càng đông khiến người dân thôn Trường Định khấp khởi vui mừng. Trưởng thôn Trường Định Võ Văn Thành cho hay, trong các cuộc họp thôn, người dân bày tỏ mong muốn địa phương sớm có biện pháp thúc đẩy kinh tế nông nghiệp thông qua hoạt động phát triển du lịch cộng đồng. Đặc biệt, muốn phát triển du lịch, người dân Trường Định buộc phải chọn lọc và thích nghi.
“Người thôn quê vốn gần gũi, thân thiện nhưng vẫn cần học thêm kỹ năng giao tiếp cũng như tìm hiểu thông tin sản vật địa phương để có thể tự tin trao đổi với du khách”, ông Thành bày tỏ.
Đề án thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang mở ra cơ hội cho người dân địa phương phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, TS. Chu Mạnh Trinh, người có hơn 20 năm nghiên cứu lĩnh vực du lịch cộng đồng tại tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng cho rằng, Hòa Vang cần sớm hình thành bộ quy tắc ứng xử đặc biệt trong lĩnh vực du lịch nông thôn. Trong đó, yêu cầu doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động du lịch tôn trọng giá trị tự nhiên, môi trường và bản sắc văn hóa truyền thống.
Theo tiến sĩ, du lịch cộng đồng dựa vào thế mạnh văn hóa, địa hình và nguồn lực nông sản giúp tạo ra cơ hội phát triển bền vững cho người dân. Do đó, họ cần các cấp, ngành liên quan hướng dẫn cách làm du lịch sao cho hiệu quả và đúng xu thế.
Đa dạng khóa học kỹ năng
Cùng với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện với du khách, nhu cầu học tập, trao dồi kiến thức của đội ngũ lao động trong lĩnh vực du lịch ngày càng tăng. Chỉ 2 năm thành lập, Học viện đào tạo mến khách IBH Academy (Đà Nẵng) tổ chức gần 200 khóa học cho 10.000 học viên đến từ các tập đoàn khách sạn, nghỉ dưỡng và sinh viên chuyên ngành du lịch, dịch vụ.
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Giám đốc học viện khẳng định, IBH Academy tập trung đào tạo kỹ năng mềm, phát triển năng lực lãnh đạo, xây dựng đội nhóm làm việc trên tinh thần mến khách, thân thiện và có văn hóa.
“Chúng tôi tin rằng thành công của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp du lịch, dịch vụ phụ thuộc khá nhiều vào nền tảng văn hóa cũng như khả năng phục vụ, giao tiếp. Do đó, ngoài chia sẻ kỹ năng giao tiếp, IBH Academy còn cung cấp các giải pháp quản trị nguồn nhân lực nhằm giúp doanh nghiệp xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, ổn định và chất lượng trong thời gian tới”, bà Tâm nói.
Dựa trên bộ tiêu chuẩn gồm 13 kỹ năng nghề du lịch Việt Nam Vietnam Tourism Occupational Skills Standards (VTOS) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, năm 2016, CLB Đào tạo viên VTOS Đà Nẵng ra đời trên tinh thần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch địa phương.
TS. Nguyễn Thị Mỹ Thanh, Phó trưởng khoa Du lịch, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cho rằng, ngoài doanh nghiệp kinh doanh du lịch, người dân thành phố cũng cần tiếp cận những tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch. Ví dụ, chủ nhà hàng, quán ăn, người phục vụ cần nắm rõ nguyên tắc sắp xếp bàn ăn hoặc vị trí đứng khi tiếp rượu, phục vụ món ăn hay kỹ năng lắng nghe, giải quyết phàn nàn trong phục vụ khách.
Chung quan điểm này, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch Hội khách sạn Đà Nẵng khẳng định, trong phát triển du lịch, doanh nghiệp chỉ cố gắng thôi chưa đủ mà cần chuẩn bị sẵn mọi nguồn lực cho các dịch vụ đi kèm. Để làm tốt điều đó, doanh nghiệp nên chủ động tổ chức các khóa đào tạo và hội thảo chia sẻ kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực du lịch, quản lý sự kiện và tiếp thị.
Bên cạnh đó, xu hướng vui chơi, giải trí của du khách thay đổi theo thời gian buộc ngành du lịch phải thích nghi và cung cấp những trải nghiệm mới để thu hút khách hàng. Tại sự kiện Ngày hội du lịch Đà Nẵng 2023, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, kết quả của ngành du lịch đến từ nỗ lực xây dựng điểm đến của chính quyền, doanh nghiệp và người dân từ nhiều năm trước. Điều này đồng nghĩa với việc, đầu tư phát triển du lịch hiện không còn là chuyện riêng của chính quyền, doanh nghiệp mà phụ thuộc nhiều vào vai trò của người dân thành phố. Chính yếu tố tương hỗ này là lý do giúp thành phố định hình con đường phát triển du lịch địa phương dựa trên phương châm “mỗi người dân là một đại sứ du lịch” và câu chuyện ứng xử lịch thiệp, văn minh này cần tiếp tục lan tỏa trong tương lai.
Tiểu Yến
Báo Đà Nẵng Online – baodanang.vn