Công bố điểm giới thiệu và bán sản phẩm “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” tại TP Đà Lạt – Lâm Đồng

Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh Lâm Đồng về phát triển và quảng bá thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” giai đoạn 2021-2025, chiều 18/9, Sở Công thương phối hợp với cơ sở kinh doanh Toàn Thắng (đường Nguyên Tử Lực, Phường 8, TP Đà Lạt) công bố điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” năm 2023.

Phát biểu tại buổi lễ công bố, bà Cao Thị Thanh – Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cho biết, thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được UBND tỉnh Lâm Đồng xây dựng và được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và công nghệ cấp chứng nhận từ năm 2017. Qua 6 năm hình thành và phát triển, thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được tỉnh Lâm Đồng xây dựng đã trở thành thương hiệu mạnh tại Việt Nam.

Các đại biểu tham quan điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” tại cơ sở Toàn Thắng

Các đại biểu tham quan điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” tại cơ sở Toàn Thắng

Ngoài các sản phẩm rau, hoa, cà phê và du lịch canh nông đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận, hiện nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đang chỉ đạo cho các sở, ngành, địa phương xây dựng đề án mở rộng thêm các nhóm sản phẩm mới gồm: quả hồng, hồng sấy khô, hồng treo gió, dâu tây, các sản phẩm từ dâu tây (mứt dâu, nước cốt dâu) nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, atiso và trà từ atiso, chè (trà) Oolong,… được sản xuất, kinh doanh tại TP Đà Lạt và vùng phụ cận.

Với việc công bố điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” tại cơ sở Toàn Thắng nằm gần các điểm tham quan du lịch lớn của thành phố, hứa hẹn sẽ là nơi thu hút du khách đến tham quan và mua sắm; qua đó góp phần quảng bá hình ảnh và thương hiệu của các sản phẩm OCOP, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân và du khách nhận diện, tiếp cận sản phẩm chất lượng cao, mang nét văn hoá đặc trưng thể hiện qua từng sản phẩm, qua đó nâng giá trị thương hiệu Việt.

Lãnh đạo Sở Công thương cũng đề nghị chủ hộ kinh doanh tổ chức hoạt động kinh doanh đúng quy định, thông tin về sản phẩm rõ ràng, niêm yết giá sản phẩm đầy đủ, phục vụ khách hàng chu đáo và tổ chức hợp tác kinh doanh với đối tác bền vững. Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hợp tác trưng bày sản phẩm tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm có trách nhiệm với sản phẩm trưng bày bảo đảm chất lượng và an toàn đối với người tiêu dùng, cùng xây dựng điểm bán hoạt động hiệu quả.

Tại địa bàn TP Đà Lạt, đến tháng 8/2023 cơ quan chức năng đã cấp nhãn hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được 771 nhãn hiệu. Trong đó có 653 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh hoa; 91 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh rau; 10 cơ sở du lịch canh nông và 17 cơ sở kinh doanh cà phê. Riêng nhãn hiệu “Cà phê Cầu Đất” đã cấp được 22 nhãn hiệu và cấp 46 nhãn hiệu “Hồng Đà Lạt” và 21 nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt”.

Chính Thành

Báo Lâm Đồng Online – baolamdong.com.vn