Đà Lạt – Lâm Đồng là một trong những địa phương trong cả nước tiên phong trong việc phát triển loại hình DLCN
Tiềm năng to lớn
DLCN là một hình thức du lịch kết hợp giữa tham quan và trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đây là loại hình du lịch mà du khách có thể tham quan các trang trại, vườn cây, cánh đồng, hoặc các khu nuôi trồng khác; từ đó khám phá quy trình canh tác, chăm sóc cây trồng, vật nuôi và thậm chí tự tay tham gia vào các hoạt động nông nghiệp.
TP Đà Lạt từ lâu đã nổi tiếng với khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và đa dạng sinh thái. Đây là vùng đất có nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển mạnh mẽ với các sản phẩm nổi tiếng như rau, hoa, chè, cà phê… Chính vì thế, đã tạo điều kiện để phát triển loại hình du lịch gắn bó mật thiết với nông nghiệp đầy tiềm năng này.
Sớm nhận diện được những tiềm năng to lớn của DLCN, tỉnh Lâm Đồng đã sớm có những định hướng và thực hiện các bước đi tiên phong để phát triển loại hình du lịch còn tương đối mới mẻ này trên địa bàn. Trong đó, cụ thể nhất là việc UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 2644/QĐ-UBND ngày 10/12/2015 về việc phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình DLCN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Trên cơ sở của Đề án, đã có hàng chục điểm DLCN được chính quyền địa phương cấp phép đi vào hoạt động và đã tạo ra được những kết quả tích cực. Một số khu, điểm du lịch trên địa bàn đã đạt nhiều kết quả ấn tượng trong việc thu hút khách cũng như đạt doanh thu cao. Trong đó, có 3 điểm không chỉ đạt mà còn vượt chuẩn quốc tế (đón từ 500 ngàn khách và doanh thu từ 500 ngàn USD trở lên).
Trên cơ sở đó, hiện địa phương đang dần hình thành nên các trục, tuyến về DLCN. Tiêu biểu như các trục, tuyến tại Làng hoa Vạn Thành, đèo Tà Nung, đèo Mimosa, Trại Mát…
Đến nay, loại hình du lịch này đã dần trở thành một điểm nhấn, thế mạnh của địa phương trong việc thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Đà Lạt – Lâm Đồng.
Theo thống kê của Sở VHTTDL, từ năm 2018 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã đón hơn 7 triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm tại các điểm DLCN. Con số trên có thể sẽ còn ấn tượng hơn rất nhiều nếu không bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19.
Chính vì thế, DLCN không chỉ mang lại thu nhập trực tiếp từ hoạt động kinh doanh du lịch mà còn góp phần nâng cao giá trị nông sản thông qua các hoạt động trải nghiệm, giúp du khách hiểu thêm về quá trình sản xuất, thu hoạch và chế biến nông sản.
Rào cản từ các thiết chế về đất đai
Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được trong những năm qua, DLCN cũng đối diện với rất nhiều khó khăn và thách thức khiến một số điểm du lịch sau khi đưa vào hoạt động một thời gian phải ngừng hoạt động hoặc chuyển mục đích kinh doanh.
Theo Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Giám đốc sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng, trong tổng số 33 điểm DLCN đã được công nhận trước đó thì hiện nay chỉ còn 17 điểm còn hoạt động.
“Có nhiều lý do trong việc ngừng hoạt động của các mô hình DLCN trên địa bàn như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thiếu nguồn vốn đầu tư, duy trì, không bắt kịp thị hiếu của du khách…và đặc biệt là khó khăn trong vấn đề hoàn thiện khâu pháp lý liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất”, bà Ngọc lý giải.
Tại Hội nghị rà soát, đánh giá việc phát triển hoạt động DLCN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch tỉnh Phạm S cũng thẳng thắn thừa nhận những lấn cấn của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện cấp phép cho các điểm DLCN trên địa bàn do sự chồng chéo của các Luật trong đó có Luật Đất đai.
Có thể liệt kê một số vấn đề về đất đai tồn tại đã làm cản trở sự phát triển của DLCN tại Lâm Đồng như quy hoạch đất đai không rõ ràng trong khi nhiều vùng đất nông nghiệp lại có tiềm năng phát triển du lịch nhưng lại không được quy hoạch cụ thể để sử dụng cho các mục đích thương mại, dịch vụ. Điều này khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc mở rộng quy mô kinh doanh.
Thiếu hỗ trợ pháp lý: Quy định về quyền sử dụng đất chưa rõ ràng và chồng chéo giữa đất nông nghiệp và đất phục vụ du lịch. Các cá nhân, tập thể muốn kết hợp kinh doanh du lịch gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách khuyến khích, hỗ trợ.
Hạn chế trong việc tiếp cận tín dụng do thiếu các loại giấy tờ pháp lý rõ ràng về quyền sử dụng đất hoặc đất đang bị quy hoạch bất hợp lý. Điều đó khiến nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể thế chấp đất để vay vốn đầu tư, khiến việc mở rộng hoặc cải tạo mô hình du lịch gặp trở ngại.
Chính từ việc quy hoạch đất nông nghiệp và đất dịch vụ chưa thực sự linh hoạt, khiến cho nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đầu tư và phát triển các mô hình DLCN. Từ đó, dẫn đến một phần nguyên nhân trong việc phải ngừng hoạt động hoặc chuyển mục đích kinh doanh.
Luật Đất đai 2024 – Gỡ “nút thắt” cho du lịch canh nông.
Trong bối cảnh đó, việc Luật Đất đai 2024 sửa đổi chính thức hiệu lực từ ngày 01/8, trong đó có việc bổ sung các quy định về sử dụng đất đai mục đích đã tháo gỡ nhiều “nút thắt” trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho DLCN tại Lâm Đồng phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Một trong những điểm đáng chú ý của Luật Đất đai 2024 là việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp theo hướng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của cá nhân, tổ chức. Cụm từ “đất kết hợp đa mục đích” lần đầu tiên được xuất hiện trong Luật chính là cơ sở để hợp pháp hóa mô hình DLCN và các hoạt động thương mại, dịch vụ trên đất nông nghiệp mà không cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất (Điều 218 Luật Đất đai 2024).
Bên cạnh đó, Luật mới cũng nhấn mạnh việc tăng cường quyền lợi của người dân trong việc sử dụng và khai thác đất đai. Cụ thể, người dân sẽ được trao thêm quyền quyết định trong việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang các loại hình sử dụng khác, bao gồm dịch vụ du lịch, với thủ tục đơn giản hơn. Điều này giúp các nông hộ yên tâm hơn trong việc đầu tư dài hạn cho các mô hình DLCN.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2024 cũng đặt ra các chính sách hỗ trợ tài chính và tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp có nhu cầu phát triển mô hình du lịch nông nghiệp. Cụ thể, các chủ thể này có thể dễ dàng tiếp cận các gói vay vốn ưu đãi nhờ quy định về thế chấp quyền sử dụng đất được đơn giản hóa và rõ ràng hơn.
Ngoài ra, khoản 7, 8, 9 Điều 248 của Luật Đất đai 2024 đã sửa đổi bổ sung cho Luật Lâm nghiệp 2017 về việc được tổ chức du lịch trong rừng đặc dụng, phòng hộ. Từ đó, mở ra khung pháp lý chính thức cho phép làm du lịch dưới tán rừng.
Chính nhờ những thay đổi trong Luật, trong tương lai, các nông hộ và doanh nghiệp tại Lâm Đồng có thể dễ dàng hơn trong việc mở rộng và đa dạng hóa các mô hình du lịch kết hợp trải nghiệm, thu hút du khách tham quan và trực tiếp tham gia vào các hoạt động nông nghiệp.
Từ đó, giúp gia tăng giá trị kinh tế của các sản phẩm nông nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm và thương mại trực tiếp. Điều này giúp người nông dân có thể tăng thu nhập từ cả du lịch và nông nghiệp, ổn định cuộc sống và đầu tư nhiều hơn cho sản xuất.
Với quy hoạch đất đai rõ ràng và quyền sử dụng đất được tăng cường, Lâm Đồng có thể trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn phát triển các dự án DLCN quy mô lớn, bền vững và thân thiện với môi trường.
Có thể nói, Luật Đất đai 2024 mang lại nhiều kỳ vọng về việc thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp tại Lâm Đồng. Những thay đổi trong quy hoạch đất đai, quyền sử dụng đất và các chính sách hỗ trợ tài chính sẽ giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình DLCN phát triển bền vững. Tuy nhiên, để biến cơ hội thành hiện thực, Lâm Đồng cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Chỉ khi đó, DLCN mới thực sự trở thành động lực kinh tế mạnh mẽ cho địa phương này.
Thành Khiêm
Báo Văn hóa – baovanhoa.vn