Từ món ăn dân dã, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và dám nghĩ, dám làm của người dân Thạch An (Cao Bằng), món thạch đen (thạch sương sáo) đã trở thành đặc sản của địa phương. Hiện sản phẩm được sản xuất và đóng gói theo quy trình hiện đại đạt tiêu chuẩn OCOP và được đông đảo người tiêu dùng, các du khách từ khắp nơi yêu thích.
Đến thăm Cơ sở sản xuất thạch đen Lê Thùy, xóm Chang Khuyên, thị trấn Đông Khê – một trong những cơ sở sản xuất thạch đen có tiếng tại Thạch An. Khi bước vào cơ sở, chúng tôi thấy khu vực chế biến được vệ sinh sạch sẽ, máy móc, thiết bị đang hoạt động hết công suất, đảm bảo số lượng cũng như chất lượng sản phẩm. Trên mỗi hộp thạch đen thành phẩm in đầy đủ thông tin về nguyên liệu, địa chỉ liên hệ… để khách hàng dễ dàng tham khảo và tìm mua sản phẩm của cơ sở.
Sản phẩm OCOP 3 sao thạch đen Thạch An được khách hàng yêu thích
Chị Nông Thị Lệ Thùy, chủ cơ sở cho biết: Năm 2015, nhận thấy thạch đen được người tiêu dùng ưa chuộng, tôi bàn với gia đình xây dựng một cơ sở sản xuất thạch đen chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng, tâm huyết đem món ăn đặc sản của địa phương vươn xa, phân phối tới nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Để sản xuất số lượng lớn, đảm bảo chất lượng, tôi đầu tư máy móc hiện đại kết hợp với phương pháp sản xuất thủ công truyền thống để cho ra sản phẩm đảm bảo chất lượng. Sản phẩm thạch đen Lê Thùy mặc dù không dùng chất bảo quản, không phẩm màu nhưng vẫn tạo được màu sắc, độ thơm ngon và dẻo dai. Năm 2020, thạch đen Lê Thùy đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, đạt “Thương hiệu vàng Nông nghiệp năm 2022” của Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Với chất lượng vượt trội, đến nay, sản phẩm có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và giới thiệu sản phẩm tới nhiều các khách hàng trên khắp cả nước. Năm 2022, cơ sở bán ra thị trường hơn 10 tấn thạch đen thành phẩm, doanh thu trên 100 triệu đồng. Sản phẩm thạch đen Lê Thùy hiện có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như: Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Kạn…
Cùng với Cơ sở sản xuất thạch đen Lê Thùy, cơ sở sản xuất thạch đen Đinh Tuyên, khu 1, thị trấn Đông Khê cũng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2023. Với mong muốn mang sản phẩm của quê hương phát triển hơn nữa, tạo dựng thương hiệu chỗ đứng trên thị trường, cơ sở luôn cố gắng nỗ lực cải tiến phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu thạch đen Đinh Tuyên vươn xa, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo cho bà con.
Chị Đinh Thị Kim Tuyên, chủ cơ sở sản xuất chia sẻ: Để tạo ra sản phẩm thạch đen an toàn, cơ sở luôn sử dụng những nguyên liệu đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Chủ động liên kết với các hộ dân trên địa bàn xây dựng vùng sản xuất theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trong quá trình chế biến, cơ sở cũng không sử dụng các chất phụ gia, các chất cấm, hệ thống máy móc được trang bị đảm bảo an toàn. Hiện nay, vào chính vụ, cơ sở cung cấp từ 800 – 1.200 hộp thạch/ngày; đạt 100.000 hộp/năm, trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu về sản xuất và kinh doanh thạch đen tại huyện.
Nguyên liệu chính để làm ra sản phẩm thạch đen là cây thạch (còn được gọi là tiên thảo hay sương sáo), được trồng chủ yếu tại các xã: Trọng Con, Đức Thông. Đây là một loại cây thân cỏ, trồng ngắn ngày, chỉ 4 tháng là có thể thu hoạch. Cây thạch đen có vị ngọt, tính mát, theo Đông y, lá cây này có tác dụng giải nhiệt, giúp giảm huyết áp, trị cảm mạo, đau khớp, tiểu đường…
Thạch An là địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp cho cây thạch đen. Từ năm 2016, huyện xác định thạch đen là cây trồng mũi nhọn và có chủ trương vận động người dân mở rộng diện tích. Đến nay, tổng diện tích trồng cây thạch đen đạt gần 500 ha, với tổng sản lượng hơn 2.000 tấn, cây thạch đen đem lại thu nhập cho người dân trên 70 tỷ đồng/năm. Hiện nay, huyện có nhiều cơ sở sản xuất thạch đen chất lượng, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Các cơ sở không ngừng đầu tư thiết bị sản xuất hiện đại, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm tới khách hàng và đối tác trong và ngoài tỉnh.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Đức Thiện cho biết: Để mở rộng diện tích, nâng cao năng suất cây thạch, phòng đã tăng cường khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm; phối hợp mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thạch đen theo hướng hữu cơ an toàn, tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm thạch đen.
Tuy nhiên, để phát triển và nâng cao giá trị sản xuất cho cây thạch đen và sản phẩm thạch đen Thạch An, cần rất nhiều yếu tố, quan trọng nhất là khâu tìm đầu ra tiêu thụ ổn định cho sản phẩm trên thị trường giúp nhân dân yên tâm mở rộng sản xuất. Thời gian tới, để sản phẩm thạch đen địa phương ngày càng phát triển vươn ra cả nước, huyện tăng cường kêu gọi các đầu tư, doanh nghiệp hỗ trợ huyện quảng bá, hỗ trợ sản xuất, chế biến sản phẩm thạch đen.