Cao Bằng: Hòa An đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với nông nghiệp

Huyện Hòa An (Cao Bằng) phát huy thế mạnh nông nghiệp gắn với văn hóa để phát triển du lịch. Đây là mô hình tiềm năng giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giúp người dân làm giàu.

Nhiều tiềm năng về văn hóa, nông nghiệp

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 74 di tích, trong đó, 25 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Các di tích nằm trên địa bàn của các xã: Hoàng Tung, Hồng Việt, Nam Tuấn, Trương Lương, Bạch Đằng, Dân Chủ, Đại Tiến và thị trấn Nước Hai. 

Huyện có 5 điểm dừng chân thuộc tuyến du lịch phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể như: hát Then, đàn tính, hát quan lang, múa khèn mông; cùng với những lễ hội truyền thống đặc sắc như: Lễ hội Đền Vua Lê (Hoàng Tung), lễ hội Đền Dẻ Đoóng (Hồng Việt), hội Xuân Án Lại (Nguyễn Huệ); các truyền thuyết gắn với di tích lịch sử như: Truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” (chín chúa tranh vua), truyền thuyết Báo Luông – Slao Cải… cùng với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa mang đậm những dấu ấn về một vùng đất “cội nguồn cách mạng”, có mối liên hệ mật thiết với lịch sử quốc gia dân tộc, nơi từng là cung điện của các triều đại phong kiến, các phong trào hoạt động cuủa những bậc tiền bối của cách mạng Việt Nam. 

Lễ hội Đền Vua Lê, xã Hoàng Tung (Hòa An) thu hút đông đảo du khách thập phương.

Trên địa bàn huyện có nhiều nghề thủ công truyền thống như: nghề sản xuất miến dong Án Lại (Nguyễn Huệ), làng dệt thổ cẩm ở xóm Đông Giang 1 (Nam Tuấn), đan lát tại xóm Lũng Oong (Trương Lương) và nhiều món ẩm thực truyền thống của các dân tộc như: Mèn mén, thắng cố của dân tộc Mông; lợn quay, vịt quay, xôi cẩm và các loại bánh của dân tộc Tày, Nùng… Hiện, huyện có 14 sản phẩm được công nhận OCOP. Trong đó, 3 sản phẩm OCOP đạt 4 sao gồm: Rượu ngô Đại Hoàng Cao Bằng, rượu ngô Đại Hoàng Long Phụng, rượu ngô Đại Hoàng Tiên Tửu; 11 sản phẩm đạt OCOP 3 sao gồm: Trà xanh Tài Hồ Sìn, mật ong rừng tự nhiên xã Hoàng Tung, rượu gạo nhật Cao Bằng, gạo nhật Cao Bằng, cơm cháy Huy Hoàng, bún trắng khô cô Luyến, bún cẩm khô cô Luyến, miến dong Cường Yên, rượu ngô Bình Long, thạch đen Su Hào, mật ong hoa tự nhiên Bình Dương. Đây chính là tiềm năng to lớn để huyện bảo tồn và khai thác những giá trị di tích lịch sử văn hóa đang có để phát triển triển du lịch gắn với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. 

Định hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch

Để khai thác và phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên về du lịch, nông nghiệp, UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 – 2025. Trong đó, tập trung các sản phẩm du lịch mang bản sắc, tiềm năng thế mạnh của địa phương. Phát triển, phục dựng các làng nghề thủ công truyền thống, phát triển mô hình kinh tế trang trại, làng nghề, nhà vườn, các sản phẩm nông nghiệp, sạch gắn với phát triển du lịch, dịch vụ như: Du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, lễ hội, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực sản phẩm nông sản bản địa, thông qua việc tổ chức các lễ hội, ngày hội văn hóa các dân tộc, lễ hội Hoa xuân… Du lịch trải nghiệm tại các cơ sở sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống như: làm đàn tính, dệt thổ cẩm (Nam Tuấn); các sản phẩm đồ gốm (Dân Chủ), làm miến (Nguyễn Huệ)… Phục dựng lại lễ hội Háng toán, đội múa Lân tại thị trấn Nước Hai, các món ăn ẩm thực của các dân tộc tại chợ phiên, thành lập câu lạc bộ hát dân ca, dân vũ đội văn nghệ quần chúng tại các xóm phục vụ nhu cầu văn hóa của người dân và phát triển du lịch.

Đầu tư hạ tầng cơ sở các điểm tham quan Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng trên địa bàn huyện như: làm tuyến đường đi bộ lên hang Ngườm Bốc; nâng cấp bãi đỗ xe Đền Dẻ Đoóng, cải tạo cảnh quan Vườn đá, hang Ngườm Slưa, trồng hoa cây cảnh Đền Vua Lê… Xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại các xã có tiềm năng. Huyện đón nhiều nhà đầu tư chiến lược đến khảo sát, đầu tư các điểm du lịch tại huyện như: Dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại xóm Nà Mấn (Ngũ Lão), dự án du lịch trải nghiệm Suối Củn, khu du lịch Đảo sinh thái Nà Tẻng… Đồng thời, tổ chức các hoạt động thể thao thường niên để thu hút khách du lịch như: Giải bóng bàn huyện (mở rộng), bóng đá nam 11 người tranh cúp BIDV; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Giải đua xe đạp tỉnh Cao Bằng (mở rộng) tại huyện…

Huyện Hòa An chú trọng xây dựng và phát triển các điểm đến du lịch nông thôn mang đặc trưng của từng vùng miền.
Huyện Hòa An chú trọng xây dựng và phát triển các điểm đến du lịch nông thôn mang đặc trưng của từng vùng miền.

Huyện xác định xây dựng và phát triển các điểm đến du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng miền, xây dựng mô hình du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng như: chè Tài Hồ Sìn, dứa tại xã Bạch Đằng, thuốc lá tại xã Nam Tuấn. Triển khai xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới như: mô hình trồng na (Hồng Việt), dưa vàng (Hoàng Tung), thạch đen (Lê Chung), gạo nếp Pì Pất (Đức Long)… Khai thác nhà vườn, trang trại, khu sinh thái, khu công nghệ cao phát triển thành các điểm du lịch trải nghiệm kết nối với các điểm du lịch của huyện như: trang trại lợn đen tại xã Ngũ Lão, vườn cây ăn quả xã Hồng Việt, mô hình vịt thả suối, gà không phao câu tại xã Đại Tiến… 

Xây dựng và duy trì hiệu quả chương trình mỗi xã 1 sản phẩm OCOP, xây dựng điểm bán sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm nghề truyền thống và đồ lưu niệm phù hợp với quy hoạch chung của địa phương. Xây dựng các mô hình theo chuỗi liên kết du lịch nông thôn đặc thù có sự tham gia của người dân là chủ thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ kinh doanh, doanh nghiệp. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch gắn với nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn qua các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch của huyện, tỉnh; trang thông tin điện tử của huyện, các xã, thị trấn và các trang mạng xã hội. Qua đó, từng bước xây dựng Hòa An trở thành điểm đến của du khách, góp phần giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Lam Giang
Báo Cao Bằng – baocaobang.vn – Đăng ngày 06/5/2025