Cao Bằng: “Câu chuyện sản phẩm” nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

“Câu chuyện sản phẩm” (CCSP) là thông điệp mà chủ thể OCOP muốn truyền tải đến cộng đồng và người tiêu dùng, đây còn là niềm tự hào về giá trị tài nguyên bản địa, nét văn hóa, sự tâm huyết, kỳ vọng của người tạo ra sản phẩm. Tuy nhiên, để xây dựng và lan tỏa những CCSP chất lượng, ngoài xuất phát từ chính niềm tự hào của chủ thể, cộng đồng cùng chung tay bảo tồn, phát triển sản phẩm đặc trưng, còn cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm OCOP.

Trong Bộ tiêu chí quốc gia về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, CCSP chiếm 12/100 điểm trong thang điểm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. CCSP là câu chuyện về thương hiệu. Nếu câu chuyện hấp dẫn, chân thực sẽ khiến khách hàng nhập tâm, khắc sâu vào tâm trí và bỏ tiền mua sản phẩm đó. Một trong những cách để thương hiệu đi vào tâm trí khách hàng là nhờ những câu chuyện hay. Việc xây dựng CCSP thú vị, hấp dẫn, góp phần quan trọng nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Chủ thể sản phẩm phải xây dựng được câu chuyện sản phẩm thú vị, hấp dẫn, góp phần nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP

Hiện, toàn tỉnh có 97 sản phẩm OCOP, gồm 9 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 88 sản phẩm đạt OCOP 3 sao với sự tham gia của 22 hợp tác xã (HTX), 1 tổ hợp tác, 14 doanh nghiệp, 30 hộ sản xuất kinh doanh. Trong đó, ngành thực phẩm có 77 sản phẩm, đồ uống 10 sản phẩm, thảo dược 3 sản phẩm, thủ công mỹ nghệ 4 sản phẩm và 3 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua, tỉnh có nhiều chính sách khuyến khích hộ dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, HTX liên kết sản xuất và chế biến, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, hằng năm Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách. Quán triệt, phổ biến chủ trương, kế hoạch thực hiện và nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp xã, cấp huyện, các chủ thể như doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh tham gia chương trình. Xác định việc lựa chọn sản phẩm có tiềm năng, triển vọng thành hàng hóa; tư vấn hướng dẫn lập hồ sơ và hoàn thiện các điều kiện cần thiết đối với sản phẩm; hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng, thị trường cạnh tranh, mẫu mã, bao bì sản phẩm; quan tâm tư vấn, hướng dẫn chủ thể cách xây dựng CCSP gắn với quá trình sản xuất, chế biến.

Tuy nhiên, thực tế qua các đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh thời gian qua, khi chuẩn bị hồ sơ chấm điểm OCOP, gần 90% sản phẩm phải bổ sung CCSP. Nhiều sản phẩm chưa “kể” được câu chuyện của mình. CCSP mới chỉ dừng lại ở việc nêu xuất xứ, nguồn gốc, quy trình sản xuất…; chưa tạo được sức hấp dẫn cho sản phẩm; chủ thể tham gia thiếu kinh nghiệm, không đủ khả năng diễn đạt, chưa biết vận dụng, lồng ghép các yếu tố văn hóa, sứ mệnh sản phẩm, lịch sử vùng đất… Các chủ thể hầu hết là các hộ sản xuất nhỏ lẻ, HTX, doanh nghiệp nhỏ, khó có thể cạnh tranh với các đơn vị sản xuất quy mô lớn, không đầu tư nhiều kinh phí cho hoạt động thương mại, quảng cáo.

Sản phẩm chè Đoỏng Pán, xã Độc Lập (Quảng Hòa) đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021. Với hương vị thơm ngon, quy trình kỹ thuật chăm sóc hoàn toàn hữu cơ, thủ công, đảm bảo an toàn thực phẩm, chè Đoỏng Pán là một trong những sản phẩm được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn tiếp xúc thị trường tại Hà Nội. Ngay trong lần đầu giới thiệu, sản phẩm được một số cửa hàng, siêu thị vừa và nhỏ tại Hà Nội đặt hàng để tiêu thụ. Hiện, toàn xã có gần 24 ha chè, trong đó 70% diện tích là chè của HTX chè Đoỏng Pán, gồm 11 thành viên. Tuy nhiên, khi tham gia chương trình bình chọn sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, HTX gặp khó khi thực hiện CCSP.

Sản phẩm chè của Hợp tác xã chè Đoỏng Pán, xã Độc Lập (Quảng Hòa)

Giám đốc HTX chè Đoỏng Pán Triệu Khánh Hoàng cho biết: Các thành viên HTX chủ yếu là nông dân, việc tiếp xúc, cập nhật thông tin còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm, chưa biết diễn đạt. Trong hồ sơ sản phẩm OCOP, dự thi đánh giá và phân hạng, CCSP chỉ giới thiệu diện tích, tiềm năng, thế mạnh phát triển cây chè, còn phần CCSP gần như bỏ ngỏ, do đó CCSP chưa tạo sự thú vị, điểm nhấn riêng, sự tò mò về sản phẩm cho khách hàng, nên thang điểm ở phần này chưa cao.

CCSP là thông điệp mang giá trị vô hình, nhưng có thể chạm đến cảm xúc và trái tim của người tiêu dùng, thay đổi hành vi của khách hàng. Từng câu chuyện sản phẩm OCOP chứa đựng niềm tự hào, dấu ấn, giá trị truyền thống của mỗi vùng đất, do đó, khắc phục sự “đồng phục hóa” sản phẩm, là một trong những giải pháp cần được các cấp, ngành, địa phương và chủ thể OCOP đặc biệt quan tâm đầu tư hiện nay, để tăng giá trị và giữ hạng sao cho sản phẩm OCOP.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nông Thanh Mẫn, CCSP phải xuất phát từ chính niềm tự hào của người dân, của cộng đồng về sản phẩm đó; cần chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn chi tiết, cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa các cấp đối với các chủ thể, nhất là cấp huyện. Hằng năm, có thể tổ chức xem xét, góp ý chỉnh sửa dự thảo CCSP cho từng sản phẩm đăng ký tham gia chương trình và được kiểm duyệt trước khi sử dụng câu chuyện. Cùng với đó, đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, xây dựng các bộ bài giảng cho nhóm đối tượng, nhóm sản phẩm, từng khâu trong chuỗi giá trị OCOP. Tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại là giải pháp đặc biệt quan trọng giúp cho sản phẩm OCOP tồn tại, phát triển.

Khánh Vy

Báo Cao Bằng – baocaobang.vn