Cao Bằng: Bảo tồn làng nghề gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

Việc bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề truyền thống đang là hướng đi được nhiều địa phương trong tỉnh Cao Bằng hướng đến. Để khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng miền, các địa phương tiếp tục triển khai lồng ghép hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ các làng nghề mở rộng sản xuất, kinh doanh gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn, toàn tỉnh Cao Bằng hiện có 5 làng nghề truyền thống, gồm: làng nghề rèn Phúc Sen; đường phên Bó Tờ thị trấn Hòa Thuận; nghề làm hương, xóm Đoàn Kết; nghề làm giấy bản xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen (Quảng Hòa); nghề làm hương thảo mộc xóm Nà Kéo, xã Trường (Hà Quảng). Các làng nghề duy trì hoạt động tạo việc làm thường xuyên, thu nhập cho gần 1.000 lao động nông thôn, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, thủ công truyền thống của tỉnh. 

Kế hoạch số 337/KH-UBND ngày 20/02/2022 về bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 – 2030 đề ra mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề, ngành nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông thôn bền vững. Bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch tạo thương hiệu của địa phương thông qua các sản phẩm của làng nghề, ngành nghề nông thôn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm của làng nghề, ngành nghề nông thôn. Huy động mọi nguồn lực của thành phần kinh tế để bảo tồn và phát triển làng nghề quy mô vừa và nhỏ, đa dạng hóa các hình thức tổ chức để phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh. 

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 khôi phục, bảo tồn 2 làng nghề truyền thống; củng cố và nâng cấp 5 làng nghề được công nhận. Công nhận 5 làng nghề mới, củng cố và nâng cấp 10 cơ sở ngành nghề nông thôn đã được công nhận sản phẩm OCOP. Trên 70% làng nghề hoạt động có hiệu quả. 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực. 30% làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề, ngành nghề đạt khoảng 5%/năm. 100% làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn sản xuất, chế biến đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.


Nghề làm hương truyền thống của người dân xóm Đoàn Kết, xã Phúc Sen (Quảng Hoà) được bảo tồn và phát triển qua nhiều thế hệ

Xã Phúc Sen (Quảng Hòa) là nơi có nhiều làng nghề truyền thống gắn với bảo tồn hiệu quả các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Nùng An, gồm: nghề rèn, làm hương và làm giấy bản. Trong đó, nghề rèn thu hút và tạo việc làm cho gần 300 lao động nông thôn với 140 lò, sản xuất theo quy mô hộ gia đình, hợp tác xã. Trung bình mang lại thu nhập cho địa phương hơn 18 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân đạt hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Thời gian gần đây, sản phẩm nghề rèn không những tiêu thụ tại các địa phương trong và ngoài tỉnh mà còn được các hộ sản xuất theo đơn đặt hàng của phía Trung Quốc, mở ra nhiều triển vọng trong việc mở rộng thị trường hàng hóa cũng như tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống phát triển. Theo ông Đàm Đình Đạo, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sen, hiện sản phẩm nghề rèn của xã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh; nghề làm hương và làm giấy bản tiếp tục được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Bên cạnh việc khuyến khích các hộ phát triển sản xuất, xã đang xây dựng thương hiệu sản phẩm để đạt tiêu chuẩn OCOP; định hướng người dân liên kết sản xuất tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.   

Cùng với bảo tồn, phát triển làng nghề, sau nhiều năm nỗ lực triển khai Chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh có 97 sản phẩm OCOP của 67 chủ thể sản xuất, trong đó có 9 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 88 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, thuộc 5 nhóm, gồm: 77 sản phẩm thực phẩm, 10 sản phẩm đồ uống, 3 sản phẩm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, 4 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 3 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được công nhận OCOP hạng 3 sao trở lên; 2 sản phẩm được phân hạng 4 sao; duy trì củng cố 100% sản phẩm đã được công nhận. Để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đi đôi với phát triển làng nghề truyền thống, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh phối hợp tổ chức 6 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho gần 500 cán bộ cấp huyện, xã, chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP của 10 huyện, Thành phố. Các địa phương tiếp tục bám sát kế hoạch của tỉnh nỗ lực triển khai các chương trình phù hợp điều kiện thực tế. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.


Người dân xóm Bó Tờ, thị trấn Hòa Thuận (Quảng Hòa) sản xuất đường phên

Sản phẩm đường phên Bó Tờ thị trấn Hòa Thuận (Quảng Hòa) được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng đảm bảo, hương vị thơm ngon. Sau khi sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, làng nghề truyền thống có cơ hội đưa sản phẩm vươn xa ra thị trường. Người dân có thêm điều kiện đầu tư thiết bị phục vụ sản xuất. Nhờ nghề trồng mía và làm đường phên, nhiều hộ có thu nhập trung bình từ vài chục triệu đồng, hộ thu nhập cao có thể lên đến 100 triệu đồng/năm. Mỗi năm, toàn huyện ép hơn 6.000 tấn mía, cho hơn 600 tấn đường phên. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hòa Thuận (Quảng Hòa) Lâm Văn Đường cho biết: Để phát triển làng nghề truyền thống, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân tuân thủ các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; cải tiến mẫu mã bao bì phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; tích cực quảng bá thương hiệu sản phẩm, tăng nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện mục tiêu phát triển làng nghề và sản phẩm OCOP, hiện nay, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp huy động mọi nguồn lực hỗ trợ cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất. Làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tổ chức triển khai các chương trình; tăng cường hướng dẫn các quy trình thủ tục sản phẩm đủ điều kiện và đạt tiêu chuẩn theo quy định. Tuyên truyền, vận động người dân liên kết sản xuất hàng hóa, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống; chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu; tuân thủ các điều kiện trong sản xuất, kinh doanh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nêu cao vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong việc lập kế hoạch, quy hoạch phát triển làng nghề và sản phẩm OCOP phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. 

Triển khai hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt việc giải ngân các nguồn vốn tín dụng để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Các địa phương quan tâm đến việc hướng dẫn người dân, chủ thể sản xuất tăng cường đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để tăng giá trị kinh tế cho nông sản, nhất là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, sản phẩm đặc trưng, đặc hữu của tỉnh.        

Thái Hà
Báo Cao Bằng điện tử – baocaobang.vn