Cùng với hạ tầng cơ sở đang ngày càng được đầu tư, hoàn thiện mạnh mẽ, Cần Giờ đang hướng đến xây dựng và trở thành một “Đô thị du lịch sinh thái rừng-biển” của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
Hồi sinh từ vùng đất “chết”
Sau ngày miền
Nhận thức được vấn đề này, ngày 7/8/1978, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Lâm trường Duyên Hải (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ) và giao cho Sở Lâm nghiệp triển khai công tác khôi phục lại hệ sinh thái rừng ngập mặn trên địa bàn huyện Cần Giờ.
Sau gần 35 năm phục hồi và phát triển, hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ nay đã trở nên đa dạng, phong phú về hệ sinh thái động thực vật; tài nguyên thiên nhiên của rừng ngập mặn không ngừng tăng lên.
Ông Cát Văn Thành, Phó Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, cho biết nỗ lực tái trồng rừng đã mang lại những thay đổi lớn đối với môi trường sinh thái, gia tăng đa dạng sinh học, động vật hoang dã đã trở về khu rừng ngập mặn tái sinh nhân tạo.
Đến nay rừng Cần Giờ có diện tích hơn 37.000 ha, trong đó diện tích trồng thành rừng là hơn 19.000 ha với các loại cây chủ yếu như đước, dà vôi, gõ biển, tra, vẹt đen…Hiện đã thống kê được 195 loài thực vật, hơn 130 loài tảo, trên 120 loài cá nước lợ, nước mặn; 31 loài bò sát, trên 150 loài chim và nhiều loài thú sống trên cạn như heo rừng, khỉ đuôi dài, rái cá… sinh trưởng tại rừng ngập mặn Cần Giờ.
Phát triển du lịch sinh thái gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học
Có thể nói, sự hồi sinh của rừng ngập mặn Cần Giờ và việc được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam vào năm 2000 là tiền đề thuận lợi cho Cần Giờ phát huy, tận dụng lợi thế để phát triển du lịch sinh thái rừng, biển kết hợp với bảo tồn đa dạng sinh học của rừng ngập mặn.
Theo giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hoàng Trí, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia “Chương trình Con người và Sinh quyển” Việt Nam, việc công nhận khu dự trữ sinh quyển không chỉ tạo nên “danh tiếng” làm tiền đề cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch di sản… mà còn tạo nên sự đổi mới trong tư duy sử dụng sự “nổi tiếng” trong bảo tồn để phát triển kinh tế, đồng thời lấy phát triển kinh tế phục vụ công tác bảo tồn.
Rừng Cần Giờ không chỉ là những cánh rừng rộng bạt ngàn mà còn chứa đựng trong nó rất nhiều giá trị về lịch sử, khảo cổ, văn hóa tín ngưỡng. Trong rừng Cần Giờ hiện có nhiều khu vực bảo tồn động vật có giá trị như khu Lâm Viên, Đảo Khỉ với hàng ngàn cá thể khỉ đuôi dài; khu Vàm Sát với khu bảo tồn chim rộng hơn 600ha có hơn 7.000 cá thể chim các loại và khu bảo tồn dơi nghệ với hàng ngàn con. Đặc biệt, nằm sâu trong những cánh rừng ngập mặn nơi đây còn có Căn cứ cách mạng Chiến khu Rừng Sác, nơi khởi xướng những chiến công anh hùng, kiệt xuất của quân và dân Cần Giờ trong chiến tranh.
Anh Trần Hữu Quốc, cán bộ Công ty Du lịch sinh thái Cần Giờ, cho biết đến đây du khách có thể khám phá các phương thức sống và chiến đấu của lực lượng quân giải phóng trong chiến tranh. Ngoài ra, theo nghiên cứu của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay trên địa bàn huyện Cần Giờ có khoảng 16 di tích đã được khảo sát và 5 di tích được khai quật, đào thám sát. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cách đây khoảng 2.000 năm, Cần Giờ đã là một “cảng thị sơ khai” trong khu vực.
Cùng với phát triển du lịch sinh thái, Cần Giờ cũng đã phối hợp với nhiều trường đại học, các nhà khoa học trong và ngoài nước, thu hút sự tham gia của người dân địa phương triển khai nhiều dự án bảo tồn đa dạng sinh học tại rừng ngập mặn Cần Giờ. Những kết quả mang lại rất khả quan, số loài cây rừng ngập mặn gia tăng, nhiều loài trước đây biến mất nay đã xuất hiện trở lại; những khu đất bồi đã tạo thêm diện tích cho các loài cây tiên phong xuất hiện. Đặc biệt, Cần Giờ đã xây dựng được hơn 127ha rừng giống đước, tạo nguồn gen cây rừng phục vụ công tác trồng rừng tại chỗ và cung cấp cho các khu vực khác.
Để kết hợp hài hòa giữa công tác bảo tồn và khai thác du lịch, huyện và các đơn vị được giao quản lý, khai thác rừng ngập mặn Cần Giờ đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông giáo dục bảo vệ môi trường kết hợp với tham quan, nghiên cứu. Trong năm 2011, Cần Giờ đã thu hút gần 109.000 lượt người tham dự các hoạt động tham quan du lịch kết hợp bảo vệ môi trường, trồng rừng, đặc biệt trong đó có gần 2000 lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu và tìm hiểu về rừng ngặp mặn Cần Giờ.
Số lượng khách đến tham quan Cần Giờ ngày càng tăng, riêng trong năm 2011 đã đạt trên 457.000 lượt người, tăng 11,5% so với cùng kỳ, trong đó lượng khách du lịch quốc tế chiếm khoảng 10%. Doanh thu ngành du lịch đạt 109,8 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2010.
Hiện nay, toàn huyện có 47 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và 13 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoạt động ổn định. Đến năm 2015, du lịch sinh thái Cần Giờ phấn đấu đạt tổng doanh thu tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 25%; mức tăng trưởng bình quân về số lượng khách từ 15 – 20%/năm đồng thời, hoàn thành đầu tư mới, nâng cấp và đưa vào khai thác các công trình trọng điểm để phát triển du lịch như khu du lịch sinh thái biển Cần Thạnh, khu du lịch sinh thái biển Đồng Hòa-Long Hòa, khu Di tích lịch sử Căn cứ Rừng Sác, khu Di chỉ khảo cổ Giồng Cá Vồ…
Hướng đến xây dựng đô thị du dịch sinh thái rừng-biển
Ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ, cho biết: Rừng và biển là hai yếu tố hết sức quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội của huyện nói chung. Chính vì vậy, trong quy hoạch phát triển du lịch sinh thái Cần Giờ đến năm 2020 được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt, huyện sẽ phát triển du lịch sinh thái theo 3 phân khu chức năng chính gồm khu du lịch sinh thái biển tập trung tại các điểm ven biển Cần Thạnh-Long Hòa, xã đảo Thạnh An, núi Giồng Chùa; khu du lịch sinh thài rừng (diện tích 42.000ha) thuộc các xã Long Hòa, An Thới Đông và Lý Nhơn; khu du lịch sinh thái nông nghiệp thuộc các xã Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp và Lý Nhơn.
Để phục vụ cho các chiến lược phát triển du lịch của mình, Cần Giờ cũng đã xác định phải tập trung thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng cơ sở, vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển bền vững khu du lịch bền vững, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống giao thông. Bước đầu, tuyến đường Rừng Sác-Cần Giờ nối xuyên suốt từ phà Bình Khánh đến mũi Cần Giờ đã được nâng cấp và đạt chất lượng cao, dài 36km với 6 làn xe có tổng giá trị đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng đã được đưa vào khai thác từ năm 2010. Tuyến này đường được đưa vào sử dụng góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông hướng ra biển, kết nối khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh với Cần Giờ, tạo điều kiện thuận lợi cho huyện phát triển du lịch nói riêng và kinh tế-xã hội nói chung.
Cần Giờ đang tiếp tục đầu tư xây dựng đường vành đai kết nối 4 xã phía bắc Tam Thôn Hiệp, Bình Khánh, An Thới Đông và Lý Nhơn; xây dựng tuyến đường dọc biển Cần Thạnh-Long Hòa. Với đặc điểm là diện tích mặt nước, sông rạch chiếm tới hơn 30% diện tích toàn huyện, Cần Giờ cũng tập trung phát triển hệ thống giao thông thủy và xem đây là một thế mạnh của mình như đầu tư xây dựng các bến thủy nội địa, bến phà và các bến tàu du lịch tại các điểm Tắc Xuất (thị trấn Cần Thạnh), Dần Xây, Tam Thôn Hiệp và Lý Nhơn để thu hút khách du lịch đến tham quan bằng đường thủy, phát triển du lịch đường sông.
Với chủ trương phát triển theo hướng biển cùng với việc phần lớn diện tích đất huyện thuộc Khu dự trữ sinh quyển phải bảo vệ nghiêm ngặt nên Cần Giờ đã thực hiện ý tưởng táo bạo là… lấn biển để phát triển, xây dựng đô thị. Từ đó, dự án xây dựng Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ (Saigon Sunbay) tổng diện tích 600 ha với vốn đầu tư hơn 500 triệu USD đã ra đời. Tại đây sẽ mọc lên những khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu dân cư cao cấp, bãi tắm nhân tạo, nhà vườn, sân thể thao… tất cả đều hướng mặt ra biển.