Đối với các đảo trên biển, Cà Mau đầu tư khai thác du lịch gắn với phát triển kinh tế biển, bảo vệ an ninh trật tự trên biển, trong đó tập trung kêu gọi đầu tư, khai thác 3 hòn đảo rất hấp dẫn về du lịch: Hòn Khoai cách đất liền 30 km, Hòn Chuối cách đất liền 3 km, Hòn Đá Bạc cách đất liền 2 km.
Về du lịch ven biển, Cà Mau ưu tiên đầu tư khu du lịch Đất Mũi, khu du lịch Sông Đốc, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Bãi Bồi, các tuyến rừng phòng hộ. Riêng đối với du lịch nội địa, Cà Mau tập trung đầu tư khai thác các sân chim tự nhiên, rừng U Minh Hạ, Vườn quốc gia Vồ Dơi.
Cà Mau là tỉnh cực nam của Tổ quốc, có dân số 1,3 triệu người. Thế mạnh kinh tế của địa phương khá toàn diện bao gồm ngư-nông-lâm nghiệp. Riêng thủy sản, mỗi năm đạt kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 1 tỷ USD. Ngoài ra, Cà Mau còn có ngư trường biển rộng lớn, bờ biển dài 252 km, trong đó có nhiều hòn đảo, cửa biển, địa điểm ven biển hấp dẫn khách du lịch. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch thời gian qua chưa được khai thác tốt, còn rất lãng phí. Năm 2012 chỉ thu hút khoảng 500.000 ngàn lượt khách du lịch, thu về khoảng 100 tỷ đồng, còn quá khiêm tốn so với lợi thế và tiềm năng hiện có.
Nguyên nhân du lịch chậm phát triển là do chậm quy hoạch chiến lược về du lịch. Đội ngũ làm công tác du lịch yếu về năng lực quản lý, thiếu người giỏi về chuyên môn, nguồn vốn đầu tư cho du lịch nhỏ giọt. Để phát triển du lịch, Cà Mau sẽ huy động vốn từ nhiều nguồn: Vốn ngân sách địa phương; vốn hỗ trợ của trung ương; vốn từ các nhà đầu tư; vốn xã hội hóa du lịch. Tỉnh phấn đấu thu hút một triệu lượt du khách vào năm 2015./.