Cà Mau nỗ lực nâng sao cho sản phẩm OCOP

Phát triển sản phẩm OCOP được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Cà Mau, gắn liền với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sao của sản phẩm OCOP đánh giá chất lượng, sức cạnh tranh và tiềm năng mà sản phẩm đó đang có. Để duy trì và từng bước nâng chất, phát triển và khẳng định thương hiệu trên thị trường cho sản phẩm OCOP thì việc nâng sao cho sản phẩm đang được các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Cà Mau quan tâm thực hiện.


Các chủ thể thực hiện nghiêm quy định về chứng nhận chất lượng sản phẩm, bao bì mẫu mã tiến tới nâng hạng sản phẩm OCOP

Toàn tỉnh Cà Mau hiện đã có 128 sản phẩm của 61 chủ thể được công nhận đạt chuẩn OCOP. Trong đó có 06 sản phẩm đạt 04 sao và 122 sản phẩm đạt 03 sao; có 42 sản phẩm của 14 chủ thể được đưa vào các hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh; 106 sản phẩm của 52 chủ thể có sản liên kết với các đại lý ngoài tỉnh. Điều đó cho thấy, sản phẩm OCOP đang dần khẳng định thế mạnh trên thị trường. Để sản phẩm OCOP có thể tiến sâu và xa hơn vào thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu thì nâng sao cho sản phẩm là việc làm cấp bách. Ngày 23/5/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành quyết định phân công các sở, ngành, đoàn thể tỉnh thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nâng hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh năm 2023. Theo đó, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, rà soát các khó khăn, vướng mắc của chủ thể để có biện pháp tháo gỡ kịp thời.

Chủ tịch UBND tỉnh đã phân công 11 sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh phụ trách 17 chủ thể, với 30 sản phẩm dự kiến nâng hạng đạt 4 – 5 sao. Trong  đó, có 25 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao và 05 sản phẩm tiềm năng tham gia nâng hạng năm 2023. Các đơn vị được phân công, căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã đồng loạt vào cuộc, cùng với chủ thể hoàn thiện hồ sơ, thực hiện các tiêu chí để nâng hạng cho sản phẩm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể, tạo nhóm Zalo liên kết với các sở, ngành và chủ thể nhằm trao đổi, tư vấn, hướng dẫn và theo dõi tiến độ thực hiện để kịp thời phát hiện những khó khăn,vướng mắc của chủ thể, đề xuất giải pháp khắc phục. Ngoài ra, thành lập Tổ hỗ trợ nâng hạng sản phẩm OCOP của Sở, trong đó phân công cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm hỗ trợ các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, nhất là hỗ trợ Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

Sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau đa dạng về chủng loại, mặt hàng, phát huy tiềm năng từ nguồn nguyên liệu phong phú của địa phương

Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ hướng dẫn các chủ thể lập hồ sơ đăng ký cấp quyền sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tham gia các nội dung của Đề án Hỗ trợ phát triển các nhãn hiệu đã được bảo hộ trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các chủ thể thực hiện sở hữu trí tuệ theo Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 của HĐND tỉnh; hỗ trợ 18 sản phẩm của 12 chủ thể xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất chất lượng như: HACCP, ISO, HALAL,…; hỗ trợ 21 sản phẩm của 12 chủ thể tham gia Cổng truy xuất nguồn gốc của tỉnh; dự kiến tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn các chủ thể những thông tin liên quan đến sản phẩm trên nhãn hàng hóa theo quy định Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

Cùng với sự trợ lực của các cơ quan, đơn vị, chủ thể ngày càng chủ động và quyết liệt với việc nâng sao cho sản phẩm mình. Chị Mai Thị Thùy Trang, Giám đốc Hợp tác xã Tài Thịnh Phát Farm, xã Tam Giang, huyện Năm Căn cho biết: “Với sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các cơ quan chuyên môn, chúng tôi cơ bản hoàn thành các điều kiện để được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Nâng sao cho sản phẩm là điều kiện để mở rộng tiêu thụ, cơ hội để phát triển thị trường ra nước ngoài. Chúng tôi luôn cố gắng duy trì, hoàn thiện các tiêu chí để sản phẩm ngày một nâng chất để lên 5 sao. Đồng thời, tiếp tục phát triển thêm 4 sản phẩm khác của cơ sở để được chứng nhận OCOP”.

Nâng sao cho sản phẩm OCOP khẳng định chất lượng, sức cạnh tranh, thúc đẩy mở rộng thị trường

Sản phẩm trà xạ đen túi lọc Hùng Khánh của Công ty TNHH SX TM Hùng Khánh, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời đang hoàn thiện hồ sơ, chờ thẩm định để nâng hạng 4 sao. Anh Đỗ Quốc Khánh, Giám đốc Công ty TNHH SX TM Hùng Khánh, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời cho biết: “Được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao là bước ngoặc lớn, giúp tiêu thụ sản phẩm mạnh hơn, doanh thu cao hơn nhiều lần so với trước đây. Trên tiềm năng sẵn có về các điều kiện để công nhận 3 sao OCOP, công ty chúng tôi tiếp tục phát triển để nâng lên 4 sao cho sản phẩm. Với mong muốn đưa sản phẩm đến những thị trường lớn, tiềm năng hơn. May mắn có sự giúp đỡ và hỗ trợ rất nhiệt tình của các cơ quan chuyên môn, chúng tôi có thể hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục cho sản phẩm của mình. Công ty tiếp tục làm hồ sơ để phát triển thêm 2 sản phẩm để công nhận OCCOP 4 sao thời gian tới”.

Tuy nhiên, việc nâng hạng sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Quân, đối với việc nâng hạng sao thì gặp khó khăn nhiều nhất là thực hiện tiêu chí “Đảm bảo chất lượng sản phẩm” (VietGAP, ISO, HACCP, GMP, hữu cơ….). Qua rà soát, có 08/30 sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, ISO, HACCP, hữu cơ; 02 sản phẩm đang khắc phục lỗi sai để được cấp lại giấy chứng nhận HACCP; 18 sản phẩm đang được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ; còn lại 02 sản phẩm chủ thể đang rà soát. Với số lượng sản phẩm chưa được cấp giấy chứng nhận còn khá nhiều, mặt khác thời gian để được giấy chứng nhận cũng mất nhiều thời gian, do đó sẽ dẫn đến tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch đề ra.

Để thực hiện kịp tiến độ nâng hạng sản phẩm OCOP, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thành phố Cà Mau nâng cao trách nhiệm, chủ động, phối hợp chặt chẽ thực hiện. Trong đó, tập trung kiểm tra, rà soát những vấn đề còn hạn chế, hướng dẫn các chủ thể thực hiện các nội dung, công việc, nhất là việc lập hồ sơ, thủ tục về đăng ký cấp quyền sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc, thực hiện các tiêu chí và khắc phục các tiêu chí còn hạn chế,…; thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. UBND các huyện, thành phố Cà Mau chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các chủ thể thực hiện chu trình OCOP, chủ động và chịu trách nhiệm với vai trò là chủ thể chính, không nên trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bích Ngọc

Cổng TTĐT tỉnh Cà Mau – camau.gov.vn