Hội thảo có sự tham dự của các Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Trần Thanh Nam; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ; đại diện các bộ, ngành, địa phương; các doanh nghiệp du lịch, các hợp tác xã, trang trại nông nghiệp, các cơ sở đào tạo du lịch…
Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Bộ NN&PTNT (ảnh: TITC)
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Việt Nam là một nước có hệ sinh thái nông nghiệp đa dạng với các sản phẩm nông nghiệp độc đáo trên khắp mọi miền của đất nước. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn.
Thời gian qua, cùng với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn đã đã xuất hiện tại nhiều địa phương. Cùng với các loại hình du lịch truyền thống, du lịch nông nghiệp nông thôn đang ngày càng phát triển nhanh với nhiều mô hình tour du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách như: du lịch trải nghiệm gắn với sản xuất ở trang trại, du lịch làng nghề, du lịch homestay ở các hộ gia đình, du lịch tham quan trải nghiệm thiên nhiên kết hợp sản xuất nông nghiệp; xuất hiện ở nhiều địa phương có tiềm năng ở phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long… Đặc biệt, việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, nhất là sản phẩm OCOP đã phát huy được lợi thế đặc sản của từng địa phương, cung cấp sản phẩm chất lượng cho khách.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu khai mạc hội thảo (ảnh: TITC)
Những hoạt động này đã góp phần mang lại thu nhập, tạo việc làm cho người dân; đồng thời thúc đẩy lan tỏa phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống, tinh thần cho người dân nông thôn.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở nước ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương cũng như của cả nước, còn mang tính tự phát, thiếu kỹ năng chuyên nghiệp, các tiêu chuẩn, quy chuẩn… Do vậy, Bộ NN&PTNT rất cần sự hỗ trợ của Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch nhằm khảo sát, nghiên cứu, định hướng xây dựng các sản phẩm nông nghiệp nông thôn có chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch.
Đồng ý kiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung khẳng định khu vực nông thôn và giá trị nông nghiệp, nông thôn phong phú là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, đóng vai trò là điểm đến, cung cấp không gian và các dịch vụ du lịch, giúp cho ngành du lịch hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng, có tính hấp dẫn cao, mang lại cho du khách cơ hội trải nghiệm những giá trị khác biệt so với các khu vực đô thị.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung phát biểu tại hội thảo (ảnh: TITC)
Để khắc phục những hạn chế, phát huy tiềm năng thế mạnh, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung đề nghị các địa phương cần lập quy hoạch các khu vực đủ điều kiện phát triển du lịch. Nghiên cứu, ban hành hành lang pháp lý, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Cần ban hành chính sách đồng bộ hỗ trợ cho khu vực nông thôn có ưu thế để phát triển du lịch. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư hạ tầng tại điểm đến du lịch nông nghiệp hoàn chỉnh, đồng bộ. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức về phát triển du lịch gắn với nông thôn mới, nhấn mạnh phát triển du lịch phải gắn với thị trường, gắn với năng lực cung ứng dịch vụ của điểm đến, tránh việc phát triển theo phong trào.
Về vấn đề quản lý điểm đến, kiểm soát chất lượng dịch vụ, Phó Tổng cục trưởng đề nghị cần chú trọng giữ gìn giá trị cốt lõi, bản sắc văn hóa truyền thống, môi trường, cảnh quan; đảm bảo hài hòa lợi ích các bên tham gia, trong đó có lợi ích của người dân, đặc biệt những người trực tiếp đóng vai trò quan trọng trong hoạt động du lịch tại nông thôn.
Toàn cảnh hội thảo (ảnh: TITC)
Đồng thời, cần đổi mới công tác truyền thông quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn. Việc xây dựng thương hiệu cần được nghiên cứu kỹ trên cơ sở đặc trưng vùng miền, theo mùa nông nghiệp, sản vật địa phương. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại để quảng bá các điểm đến du lịch nông nghiệp.
Hội thảo cũng đã nghe đại diện Bộ Tài nguyên & Môi trường trình bày tham luận về chính sách đất đai và các vấn đề đặt ra đối với phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn; cùng với đó là nhiều tham luận của các đơn vị, chuyên gia về các vấn đề như: tiềm năng phát triển trang trại, hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn; kinh nghiệm của thế giới trong phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn và vận dụng vào Việt Nam; phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn…
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu tổng kết hội thảo (ảnh: TITC)
Phát biểu tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đánh giá cao các ý kiến phát biểu, tham luận của các đại biểu đưa ra tại hội thảo. Thứ trưởng cũng nhất trí với các ý kiến cho rằng du lịch nông nghiệp, nông thôn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có. Trong thời gian tới, cần có định hướng, đầu tư phát triển tốt hơn loại hình du lịch này.
Về mặt định hướng, Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới cần tập trung ưu tiên phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn một cách đồng bộ, có định hướng phát triển sản phẩm một cách hài hòa, phù hợp với điều kiện từng địa phương, vùng miền. Khai thác những giá trị nổi trội và khác biệt của từng nơi để tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc. Cùng với việc gia tăng lượng khách du lịch, cần nghiên cứu gia tăng các giá trị văn hóa trong du lịch, tăng chi tiêu của khách du lịch.
Thứ trưởng cũng đề nghị cần tập trung thu hút các nguồn lực phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật như cơ sở lưu trú, giao thông… Ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao vai trò chủ động của các địa phương, huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp.
Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Bộ NN&PTNT (ảnh: TITC)
Tại hội thảo, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành ký kết Chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Trung tâm Thông tin du lịch