Bình Thuận: Đẩy mạnh phát triển các hoạt động du lịch ở nông thôn

Hiện nay, lượng khách quan tâm tới loại hình du lịch nông thôn ngày càng lớn vì đa số rất quan tâm tới thực phẩm ngon, sạch và không gian sinh hoạt của các nông hộ, các trang trại, các cộng đồng nông nghiệp gắn với làng xã, thôn bản. Qua các sản phẩm du lịch nông thôn luôn đem lại cho du khách những cảm xúc mới lạ mà gần gũi không bao giờ nhàm chán.



Ảnh minh họa


Tại tỉnh Bình Thuận, những năm qua, việc phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng là một trong những hướng đi quan trọng, được tỉnh ưu tiên thực hiện; góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan văn minh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc… Tuy nhiên, thực trạng phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ở Bình Thuận vẫn là hoạt động còn mang tính tự phát, chưa có sự đầu tư, quy hoạch, chưa thu hút du khách; lao động chưa được đào tạo, thiếu kiến thức, kỹ năng về du lịch nông nghiệp.


Theo đó, các sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh hiện có gồm: Khu du lịch ở huyện Tánh Linh gắn với các chuỗi sản phẩm như hạt điều, cá thác lác, đồ gỗ mỹ nghệ các loại; Khu du lịch trên địa bàn huyện Bắc Bình gắn với các chuỗi của sản phẩm như thịt bò 1 nắng, dưa lưới, dông thịt; huyện Tuy Phong gắn với các chuỗi sản phẩm khác như nho, ớt chim La Gàn, mủ trôm, thảo dược từ cây Đinh lăng; thị xã La Gi gắn với các sản phẩm hải sản tươi sống các loại; trên địa bàn thành phố Phan Thiết gắn với các quảng bá và bán sản phẩm nước mắm, hải sản các loại, thanh long, cốm Bình Thuận, bánh rế, tranh cát Phi long và các sản phẩm như bưởi da xanh Đông hà, sầu riêng Rômô, cà phê, hạt điều, hồ tiêu ở huyện Đức Linh; dịch vụ tham quan và bán hàng tại các vườn thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam.


Trong đó, nổi bật nhất, phải kể đến là mô hình tour du lịch cộng đồng “Trải nghiệm hoạt động sản xuất Thanh long cùng người dân huyện Hàm Thuận Nam”. Đây là mô hình du lịch cộng đồng gắn với sản xuất trái thanh long đầu tiên của Bình Thuận (được Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Hàm Mỹ triển khai thực hiện từ cuối năm 2019). Ngay từ ngày đầu tiên ra mắt mô hình, điểm tham du lịch vườn thanh long tại nhà vườn của ông Nguyễn Văn Chín – thôn Phú Mỹ, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm. Tại đây, du khách được hướng dẫn tham quan vườn thanh long với các giai đoạn sinh trưởng khác nhau từ vườn cây nhỏ, ra hoa, chong đèn và cho trái chín, thu hoạch. Bên cạnh việc thưởng thức các sản phẩm từ cây thanh long như: ăn trái thanh long, uống nước ép thanh long và một số món ăn chế biến từ thanh long, khách tham quan còn được trực tiếp trải nghiệm kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch thanh long… Theo ông Nguyễn Văn Chín – Chủ vườn của điểm tham du lịch vườn thanh long cho biết: Việc xây dựng mô hình này không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình mà còn góp phần quảng bá trái thanh long, quảng bá du lịch. Để thực hiện, chúng tôi tuân thủ rất nghiêm ngặt về quy trình trồng thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGap, đảm bảo an toàn sản xuất và an toàn cho du khách. Tuy hiện nay, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên lượng khách cũng bị hạn chế, nhưng tôi tin tưởng thời gian tới khi dịch bệnh được kiềm chế thì mọi việc sẽ trở lại ổn định hơn.


Còn tại điểm tham quan nhà vườn Sáu Trúc tại xã Hàm Minh (Hàm Thuận Nam), không chỉ có vườn thanh long rộng mà tại đây còn có vườn bưởi, dừa… trĩu trái, xanh mát mắt. Cùng với đó, điểm tham qua nhà vườn này còn có hồ sen cùng nhiều tiểu cảnh để du khách có thể “check- in”, chụp ảnh lưu niệm. Ông Nguyễn Thanh Trúc – chủ nhà vườn cho biết: Du khách khi đến đây rất thích thú bởi có vườn trái cây, ao sen, ao cá thoáng mát… có nhiều điểm trang trí cho du khách đến chụp ảnh. Thời điểm này, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên lượng khách chủ yếu là khách địa phương, họ vừa đến tham quan vừa đến học hỏi kinh nghiệm.


Bà Mai Thị Ngọc Ảnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết: Là huyện nông nghiệp, bên cạnh việc phát triển du lịch biển, chúng tôi còn đẩy mạnh phát triển du lịch nhà vườn, kết hợp quảng bá các sản phẩm tại địa phương như thanh long, thanh long sấy và các sản phẩm khác.


Theo ông Võ Xuân Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bình Thuận: Để đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, chính quyền cần có sự hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà vườn và chính các chủ vườn cũng phải chủ động tìm ra những cách làm hay để thu hút khách du lịch.


Ông Võ Xuân Nghĩa cũng thông tin thêm: “Du lịch nông nghiệp là mảng tương đối hấp dẫn đối với du lịch Bình Thuận. Chúng tôi cũng đã giới thiệu trên một số phương tiện thông tin đại chúng cũng như giới thiệu cho các công ty lữ hành. Hy vọng rằng khi dịch bệnh Covid-19 được kiềm chế, thị trường du lịch Bình Thuận sôi động trở lại thì đây là một trong những điểm tham quan mới, góp phần làm phong phú đa dạng thêm sản phẩm du lịch Bình Thuận”.


Ngoài ra, các dịch vụ homestay, các tuyến du lịch du lịch nông thôn tại Bình Thuận cũng đang được quan tâm phát triển. Theo quy hoạch sẽ tập trung ở khu vực các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh, Bắc Bình, Tuy Phong, bao gồm các tuyến Quốc lộ 55, Quốc lộ 28, Quốc lộ 28B, ĐT 716, ĐT 716B và Quốc lộ 1A.


Thời gian tới, tỉnh xác định ưu tiên phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng đồng bộ, hài hòa, phù hợp điều kiện từng địa phương. Theo đó, tỉnh khuyến khích các địa phương khai thác những giá trị nổi trội và khác biệt của mình để tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường cho du lịch nông thôn thông qua báo chí, truyền thông, các trang mạng xã hội, hội chợ du lịch… Các ban, ngành, chính quyền địa phương khuyến khích người dân tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, đồng thời giữ gìn nét văn hóa truyền thống; xây dựng hình ảnh du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp…


Phạm Huệ