“Tham quan vùng biên viễn yên bình, tới vườn hoa lưng chừng núi, gặt lúa trên những cánh đồng bậc thang vàng ruộm ven những con suối và được người dân chân chất nấu cho những món ăn đặc trưng, cổ vũ các cô gái mặc váy đá bóng… Đó là những ấn tượng nhắc du khách quay lại đây” – ông Nguyễn Hà Hải, Giám đốc Hongai Tours Quảng Ninh, chia sẻ ấn tượng về du lịch Bình Liêu.
Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch trải nghiệm liên quan, tạo ra sản phẩm du lịch phục vụ du khách chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp hay ở vùng nông thôn… Theo góc nhìn này, Bình Liêu có nhiều tiềm năng và đang được khai thác phục vụ phát triển du lịch, cải thiện diện mạo nông thôn và đời sống người dân.
Là huyện miền núi, biên giới, Bình Liêu có diện tích trên 471km2, cư dân 96% là đồng bào dân tộc thiểu số. Với địa đình đồi núi, dốc, người dân bản địa có tập quán canh tác đặc thù trên các ruộng bậc thang cùng cảnh quan sinh thái khác biệt quý giá, mang lại giá trị lớn để khai thác, phát triển du lịch.
Vì thế, điểm nhấn ấn tượng trên bản đồ du lịch được nhiều du khách nhớ đến là những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ tại các bản Sông Moóc (xã Đồng Văn), Cao Thắng – Ngàn Pạt (xã Lục Hồn). Khi vào mùa lúa chín, nơi đây được ví như những “tấm thảm vàng” trải dài trên các sườn đồi. “Bình Liêu cũng nhận được sự quan tâm của tỉnh và có hướng đi để phát huy thế mạnh này, nhằm tạo ra các sản phẩm, điểm đến mới mẻ” – ông Mạc Ngọc Điệp, Trưởng Phòng VHTT huyện, chia sẻ.
Theo đó, Bình Liêu được tỉnh quan tâm, định hướng và xác định tập trung xây dựng sản phẩm du lịch có thương hiệu, thế mạnh. Từ năm 2015, Bình Liêu cũng đề xuất ban hành chính sách đặc thù thúc đẩy, phát triển lĩnh vực du lịch này. Đồng thời, địa phương cũng quan tâm huy động nguồn lực, hoàn thiện hạ tầng, phát triển vùng nông thôn, với hạ tầng giao thông kết nối 104 thôn, bản…; tiếp tục quan tâm hạ tầng điện, viễn thông, quy hoạch…
Không chỉ vậy, huyện cũng tập trung hoàn thiện các điều kiện về chính sách pháp lý, như: Công nhận khu du lịch cấp tỉnh, xếp hạng di tích cấp tỉnh với ruộng bậc thang Lục Hồn… Đây là những điều kiện thuận lợi phát triển du lịch gắn với phong tục canh tác nông nghiệp của người dân bản địa.
Địa phương cũng linh hoạt các nguồn lực xây dựng nông thôn mới và các nguồn khác hỗ trợ tốt nhất cho các dự án nông nghiệp, tạo nét riêng, điểm đến cho du khách, như: Tạo điều kiện, hỗ trợ dự án vườn hoa Cao Sơn; sản xuất miến dong Bình Liêu, nuôi cá nước lạnh ở Húc Động, Đồng Văn; các dự án trồng cấy trong nhà lưới, nhà màng…
Cùng với đó, huyện quan tâm xây dựng các dự án du lịch là các bản văn hóa người Tày, người Sán Chỉ và người Dao ở các thôn, bản. Tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp xây dựng dự án du lịch quy mô tại Lục Hồn, khu du lịch sinh thái thác Khe Vằn. Đồng thời quan tâm đầu tư các yếu tố góp sức phát triển du lịch nông thôn, như: Hệ thống nhà văn hóa xã, thôn xóm; 50 phòng homestay của người dân; 21 CLB nghệ thuật hát Then, Soóng cọ phục vụ văn nghệ truyền thống…
Nhờ đó, cho tới nay, du lịch Bình Liêu đang dần trở thành điểm đến du lịch hút khách quanh năm. Ngoài cảnh quan, không khí trong lành, du khách đến với Bình Liêu được đắm mình vào vẻ đẹp của những thửa ruộng, hòa vào không khí ngày mùa, tham gia gặt lúa như những người nông dân thực thụ. Đối với du khách thành thị, nhất là du khách nước ngoài, trải nghiệm này mang đến sự thích thú, những tràng cười giòn giã. Ở đó, họ tận hưởng niềm vui lao động khi cầm thành quả là những khóm lúa vàng óng, nặng trĩu trên tay.
Bình Liêu cũng là điểm đến kết nối với hãng lữ hành và trung tâm du lịch, thị trường khách lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng. Cho tới nay, đã có trên 30 doanh nghiệp triển khai tour tới Bình Liêu. Nhiều hãng lữ hành thường xuyên đưa khách đến Bình Liêu, như: Vietravel; Du lịch Hà Nội, Du lịch Hòn Gai, Vietfoot Travel, Du lịch Quốc Việt… Bình Liêu cũng đã và đang xây dựng các điểm đến để đón khách quốc tế, khách tàu biển khi dòng khách này đang dần phục hồi.
Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, lượng khách du lịch đến Bình Liêu luôn tăng trưởng cao trên 30%/năm. Trong năm 2023, Bình Liêu đã đón 150 nghìn lượt khách, chỉ riêng 1 tuần dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Bình Liêu đã đón gần 3.500 lượt khách. Dù còn nhiều khó khăn về nhân lực, các dự án và sản phẩm du lịch nhưng những định hướng, giải pháp cụ thể khắc phục điểm yếu trên và kiên trì, trọng tâm phát triển mũi nhọn du lịch, trong đó có du lịch nông nghiệp, tin rằng địa phương sẽ gặt hái được nhiều kết quả khả quan.
Tạ Quân
Báo Quảng Ninh – baoquangninh.vn