Bình Liêu phát huy hiệu quả tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch

(TITC) - Với 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) hội tụ bản sắc văn hóa đa dạng, quý báu, là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch.
Ảnh: Nguyễn Khắc Đạm

Bình Liêu là mảnh đất của những sắc màu văn hóa đa dạng, mỗi dân tộc lại có những trang phục, điệu hát riêng. Nơi đây còn hội tụ các hội và lễ hội đặc sắc diễn ra suốt 4 mùa. Những hoạt động không chỉ phản ánh niềm tin tín ngưỡng của cộng đồng mà còn thể hiện sự gắn kết chặt chẽ cùng sự giao thoa văn hóa của các dân tộc cùng chung sống trên một mảnh đất.

Xác định phát triển kinh tế dựa vào 3 trụ cột thiên nhiên – văn hóa – con người, thời gian qua, huyện Bình Liêu đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống, huy động sức mạnh nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy các vốn quý về văn hóa, coi đây là động lực cho du lịch phát triển.

Xác định việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống trở thành sản phẩm du lịch văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, BCH Đảng bộ huyện Bình Liêu đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 31/7/2015 về phát triển du lịch huyện Bình Liêu giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 29/6/2016 về việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu, giai đoạn 2016 – 2020. Huyện cũng xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Bình Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc huyện Bình Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, huyện tập trung thực hiện quy hoạch về kiến trúc nhà ở, bảo tồn trang phục truyền thống, trùng tu di tích, phục hồi, phát triển các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể để tạo sự đồng nhất và mang lại những nét đặc trưng riêng cho mỗi dân tộc. Phát huy vai trò của người dân trong tham gia bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống, huyện chú trọng xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ văn nghệ.

Bên cạnh đó, để khơi dậy niềm tự hào, tình yêu của người dân với trang phục truyền thống, Huyện uỷ Bình Liêu đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai mặc trang phục dân tộc tại các cơ quan, đơn vị, trường học, vận động cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, học sinh ít nhất 2 buổi/tuần trong các ngày làm việc và trong các hội nghị, sự kiện lớn của huyện. Việc mặc trang phục truyền thống hiện tại đã trở thành nề nếp, góp phần lan tỏa ý thức và niềm tự hào dân tộc, tác động mạnh mẽ, sâu rộng tới nhận thức của mỗi người dân về việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ngoài ra, nhằm khai thác các giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, huyện Bình Liêu xây dựng 7 nhóm sản phẩm chuyên đề, nổi bật là du lịch khám phá, trải nghiệm bản sắc văn hóa dân tộc, trải nghiệm các lễ hội, ngày hội truyền thống của dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ; xây dựng các bản làng văn hóa đặc trưng cho các dân tộc thiểu số thành “bảo tàng sống” trải nghiệm văn hóa các dân tộc… Trong đó, huyện đang triển khai xây dựng bản văn hóa dân tộc Tày tại thôn Bản Cáu, bản văn hóa người Sán Chỉ tại thôn Lục Ngù gắn với du lịch sinh thái thác Khe Vằn, bản văn hóa người dân tộc Dao Thanh Phán tại thôn Sông Moóc.

Trung tâm Thông tin du lịch