Bình Dương: Huyện Phú Giáo phát triển mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao

Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học công nghệ: “Nghiên cứu phát triển mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao theo định hướng phát triển làng thông minh”. Đề tài góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao theo định hướng làng thông minh; đồng thời thúc đẩy hợp tác hiệu quả giữa nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu thống nhất thông qua.

PGS.TS.Ngô Phương Lan (thứ 2 từ trái qua), Hiệu Trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, Chủ nhiệm đề tài chụp hình lưu niệm với thành viên Hội đồng nghiệm thu đề tài và doanh nghiệp tại buổi tham quan mô hình NNCNC tại Unifarm

Phát triển loại hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao

Huyện Phú Giáo có tốc độ phát triển kinh tế – xã hội nhanh, đạt nhiều thành tựu trong mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Đến cuối năm 2023 toàn huyện có 7/10 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, 3/10 xã đã hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Cơ sở hạ tầng nông thôn và đời sống người dân không ngừng được nâng cao, đảm bảo những điều kiện cơ bản để phát triển du lịch.

Đến hết năm 2023, toàn huyện Phú Giáo có 547 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích gần 1.200 ha. Giá trị sản xuất đạt trên 600 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, huyện cũng có một số tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hoá có lợi thế cạnh tranh so với các địa phương khác trong khu vực.

PGS.TS.Ngô Phương Lan phát biểu tại buổi tham quan mô hình NNCNC tại Unifarm

Dựa trên các nền tảng này, các sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch NNCNC đã bước đầu hình thành dưới dạng các chương trình tham quan, học tập nông nghiệp. Tuy nhiên, do hạn chế về cơ sở vật chất du lịch và nguồn lực nên du lịch Phú Giáo nói chung và du lịch NNCNC nói riêng vẫn còn tồn tại ở dạng tiềm năng, chưa thể phát triển chuyên nghiệp, đồng bộ và định vị thương hiệu trên bản đồ du lịch.

Bà Huỳnh Ngọc Ánh, Trưởng Phòng Kinh tế, huyện Phú Giáo, cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện có hơn 200 mô hình ứng dụng NNCNC, đa số các mô hình này phát triển rất tốt. Tuy nhiên, các mô hình này hiện nay vẫn chưa gắn với phát triển du lịch. Trước những tiềm năng này, huyện Phú Giáo rất mong muốn phát triển mô hình du lịch NNCNC gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao theo định hướng phát triển làng thông minh của huyện”.

TS.Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ, Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài, cho biết, dựa trên các cơ sở thực tiễn và lý luận, việc thực hiện đề tài nghiên cứu “Phát triển du lịch NNCNC trên địa bàn huyện Phú Giáo gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao theo định hướng phát triển làng thông minh” là rất cần thiết và gắn với các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của huyện, tỉnh và cả nước.

Hội đồng nghiệm thu đề tài và Chủ nhiệm đề tài nghe doanh nghiệp giới thiệu mô hình NNCNC tại Unifarm

“Đề tài được thực hiện nhằm cung cấp hệ thống cơ sở lý luận, các bài học kinh nghiệm phù hợp trên thế giới và trong nước để làm nền tảng phát triển hình loại hình du lịch NNCNC trên địa bàn huyện Phú Giáo, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao theo định hướng phát triển làng thông minh”, TS.Nguyễn Việt Long, cho biết.

PGS.TS.Ngô Phương Lan, Hiệu Trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM –  Chủ nhiệm đề tài, cho biết: “Đề tài nhằm nghiên cứu hiện trạng và đề xuất các giải pháp phát triển mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao theo định hướng phát triển làng thông minh trên địa bàn huyện Phú Giáo”.

 PGS.TS.Ngô Phương Lan, đề tài có giá trị đóng góp về thực tiễn, như: góp phần nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp địa phương về tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị; giúp đa dạng hóa nguồn thu nhập cho người dân địa phương; quảng bá, xây dựng thương hiệu nông sản và nâng cao nhận thức về thực hành nông nghiệp trách nhiệm; hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nâng cao theo định hướng làng thông minh; thúc đẩy hợp tác hiệu quả giữa nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp và nhà nông.

 

PGS.TS Lâm Nhân, Hiệu Trưởng trường Đại học Văn hóa TP.HCM, Chủ tich Hội đồng nghiệm thu đề tài, cho biết: “Huyện Phú Giáo có nhiều doanh nghiệp phát triển vừa kinh tế tuần hoàn, làng thông minh, NNCNC, tuy nhiên khả năng đưa du lịch tham gia vào quá trình này thì chưa tốt. Do đó, khi đề tài này được ứng dụng sẽ thúc đẩy hợp tác hiệu quả giữa nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp và nhà nông, tạo giá trị đặc trưng cho địa phương”.

Hiện thực hóa đề tài

PGS.TS.Ngô Phương Lan, Hiệu Trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết: “Triển khai nghiên cứu, thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá toàn diện, cụ thể tình hình phát triển, hiệu quả khai thác NNCNC, tiềm năng gắn với hoạt động du lịch, kết quả triển khai mô hình thí điểm nông nghiệp ứng dụng các giải pháp tuần hoàn kết hợp du lịch và mô hình du lịch NNCNC có ứng dụng các giải pháp tuần hoàn; để từ đó phát hiện các rào cản, các xu hướng phát triển, đưa ra các giải pháp phù hợp cho địa phương”.

PGS.TS.Ngô Phương Lan trình bày báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu trước Hội đồng nghiệm thu

Để hiện thực hóa mục tiêu đề tài, nhóm nghiên cứu đã đưa các giải pháp như hoàn thiện chính sách; phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; phát triển, đa dạng hóa sản phẩm NNCNC; phát triển nguồn nhân lực; khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng tham gia phát triển du lịch NNCNC; đề cao vai trò của các doanh nghiệp lữ hành; thực hiện chuyển đổi số;…

 

Toàn cảnh buổi nghiệm thu đề tài

TS.Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ:

Đề tài đã được triển khai giữa các sở, ngành, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh gắn với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM cùng nhiều các chuyên gia khác ở các trường đại học khác, đồng thời có sự tham gia của các doanh nghiệp, tiêu biểu như: Unifarm; Vinamit; các hợp tác xã;… Đề tài đã đưa ra được những mô hình cũng như thực tiễn thử nghiệm đưa du lịch sinh thái vào NNCNC ở Phú Giáo.

PGS.TS Lâm Nhân, Hiệu Trưởng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài:

Có rất nhiều các giải pháp, nhưng giải pháp lớn nhất là giải pháp về cơ chế chính sách. Nhà nước cần có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng, đồng thời cần có sự tham gia đầu tư giữa nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà trường, địa phương về cơ sở vật chất để thu hút du khách, phát triển du lịch địa phương. Đây là đề tài có khả năng được ứng dụng hiệu quả rất cao.

Bà Huỳnh Ngọc Ánh, Trưởng Phòng Kinh tế, huyện Phú Giáo:

Nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đề tài theo đề cương, nhiệm vụ thuyết minh đưa ra ban đầu. Sau khi đề tài được thông qua, huyện sẽ triển khai trên khắp địa bàn, đồng thời mong muốn sẽ tiếp tục được Sở Khoa học và Công nghệ cũng như các chuyên gia tại các trường đại học, nhóm nghiên cứu đề tài hỗ trợ để địa phương thực hiện hiệu quả, thành công, thúc đẩy phát triển du lịch và NNCNC.

Phương Lê – Quang Trí

Báo Bình Dương – baobinhduong.vn