Bình Định: Làng rau hàng trăm năm tuổi nằm cạnh Sông Kôn phát triển du lịch cộng đồng

Làng rau khối Thuận Nghĩa nằm cạnh Sông Kôn, đã tồn tại hàng trăm năm nay, là biểu tượng văn hóa thuần nông của đất võ Tây Sơn. Hiện, làng rau cổ canh nông đã được UBND tỉnh Bình Định có quyết định phê duyệt đề án phát triển du lịch cộng động, trở thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn tại vùng đất ở đây.

 

Khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong hiện có 470 hộ dân, nhưng đã có 224 hộ dân tham gia làm rau sạch, với diện tích 36 ha; trong đó có 19,5 ha được công nhận là rau VietGAP với thương hiệu Lá Lành từ năm 2013.

Đặc biệt, khối Thuận Nghĩa có vị trí thuận lợi, gần các di tích lịch sử kết hợp di tích văn hóa Champa cổ và dòng văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú trên địa bàn huyện Tây Sơn nói riêng và Bình Định nói chung. Cũng trong ngôi làng này, có 6 ngôi nhà cổ trên 100 năm tuổi của các dòng họ Quách, Nguyễn và Trần. Đây là những tộc họ lâu đời nhất của làng, có công khai khẩn, lập làng Thuận Nghĩa ngày nay. Tại đây, cũng lưu giữ  nhiều di tích lâu năm như những cây thị, cây me trên 300 năm tuổi.

Chị Hồ Thị Út Hiệp, du khách tại TP Quy Nhơn chia sẻ: Đến làng rau cổ này, tôi và nhóm bạn thích những luống rau của bàn con đang sản xuất. “Chúng tôi cũng không quên lưu lại khoảnh khắc tươi đẹp trên những luống rau xanh mướt trải rộng về phía chân trời”, chị Hồ Thị Út Hiệp nói.

Những ngày giữa tháng 5 này, trở lại khối Thuận Nghĩa, chúng tôi được bà Bùi Thị Hiệp và nhiều nông hộ khác cho hay: Sau khi được Sở Du lịch Bình Định tập huấn về làm du lịch cộng đồng, từ năm 2021 đến nay, bà con đã biết cách làm cho làng rau Thuận Nghĩa trở thành điểm du lịch kết hợp với sản phẩm nông nghiệp, hút khách ngày càng nhiều hơn.

Theo báo cáo của UBND huyện Tây Sơn, trong năm 2023 ước đón được 3.400 lượt khách đến thăm quan làng rau và những tháng đầu năm 2024, đã có hàng nghìn khách du lịch đến đây tham quan. Hiện nay, làng rau Thuận Nghĩa hấp dẫn phần lớn là học sinh các trường Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đến thăm quan thực tế, trải nghiệm theo môn học.

Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch do chính cộng đồng người dân phối hợp tổ chức, quản lý và làm chủ để đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệ được môi trường chung, thông qua việc giới thiệu cho du khách trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa, các nét đặc trưng của địa phương (phong cảnh, văn hoá…). Đây là mô hình du lịch bền vững, góp phần thúc đẩy các chiến lược xóa đói giảm nghèo, tạo thêm sinh kế đồng thời khuyến khích vai trò của người dân bản địa trong việc hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng và bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa cũng như các di sản thiên nhiên tại địa phương.

Nói về hướng xây dựng để làng rau Thuận Nghĩa trở thành điểm du lịch cộng đồng, ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết: Hiện  nay, địa phương đang phối hợp với ngành Du lịch tỉnh nỗ lực phấn đấu xây dựng và hình thành điểm du lịch cộng đồng sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp tại làng rau Thuận Nghĩa. Hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng làng rau Thuận Nghĩa mang đậm tính đặc trưng, độc đáo của địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Sở Du lịch Bình Định, Sở đang tập trung hướng đến xây dựng thương hiệu “Du lịch cộng đồng Làng rau Thuận Nghĩa” gắn với các yếu tố “Xanh, sạch, an toàn” để thu hút khách du lịch. Đồng thời, nâng cao hơn nữa để hướng dẫn người dân vận hành homestay; kỹ năng nghiệp vụ lễ tân – quy trình đón tiếp khách; kỹ năng giao tiếp; các yêu cầu và kỹ năng cần thiết của hướng dẫn viên tại điểm; tư vấn định hướng một số dịch vụ du lịch có thể phát triển tại hộ gia đình, cải tạo, trang trí sân vườn, nhà cửa…

Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Chung, dự kiến đến trong năm 2025, làng rau khối Thuận Nghĩa sẽ thu hút 10.000 lượt khách du lịch đến tham quan và lưu trú (tăng 194,1% so với năm 2023). Ngoài ra, có thêm kênh tiêu thụ hàng nông sản; có 2-3 homestay, cơ sở lưu trú du lịch của người dân địa phương.

Tiểu Vân

Báo Văn hóa Điện tử – baovanhoa.vn