Bình Định: An Lão phát triển sản phẩm OCOP

Thời gian qua, huyện An Lão (tỉnh Bình Định) đã triển khai nhiều giải pháp trong xây dựng và phát triển các sản phẩm địa phương theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để nâng cao giá trị kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

 

 

Lan tỏa trong cộng đồng

Chúng tôi cùng cán bộ Phòng NN&PTNT huyện An Lão đến thăm cơ sở sản xuất Rượu cần truyền thống người H’re đúng thời điểm các thành viên trong gia đình ông Đinh Văn Khơi và bà Đinh Thị Vớp (thôn 2, xã An Dũng) đang tất bật với mẻ rượu cần mới để kịp cung ứng cho khách hàng theo đơn đặt trước.

Bà Đinh Thị Vớp thực hiện một công đoạn trong quy trình ủ rượu cần.  Ảnh: D.Đ

Gia đình bà Vớp có truyền thống làm rượu cần, ngay từ nhỏ, bà đã làm quen với việc làm rượu. Khi quyết định khởi nghiệp với nghề làm rượu cần, gia đình bà đã dành thời gian tìm hiểu thông tin về thị hiếu của người tiêu dùng, kết quả cho biết nhu cầu thị trường đối với sản phẩm rượu cần ngày càng tăng cao, nhất là vào dịp lễ, Tết, cơ hội phát triển khá rõ ràng.

Năm 2019, ông bà bắt tay vào làm rượu cần hàng hóa; rượu dậy mùi thơm, có độ ngọt đặc trưng, được người cao tuổi trong dòng họ thử và chấp nhận. Từ đó, bà bắt đầu bán rượu ra thị trường, được nhiều khách hàng trong, ngoài tỉnh lựa chọn. Bình quân mỗi tháng, cơ sở của bà Vớp sản xuất khoảng 30 – 40 ché, riêng trong dịp Tết, khách đặt khoảng 350 ché với giá từ 200 – 300 nghìn đồng/ché rượu; cho thu nhập ổn định gần 8 triệu đồng/tháng.

Được thị trường ưa chuộng, gia đình bà đã mạnh dạn lập hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP với thương hiệu “Rượu cần truyền thống người H’re” và đạt chuẩn OCOP 2 sao cấp huyện năm 2023. “Thời gian tới, vợ chồng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư thêm thiết bị sản xuất và hướng đến nâng hạng OCOP 3 sao. Đồng thời, mong muốn cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ tìm thêm đầu ra, để sản phẩm tiêu thụ ổn định hơn”, bà Vớp nói.

Từ khi triển khai thực hiện chương trình OCOP, HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn (thôn 1, xã An Toàn) được xem là đơn vị đi đầu trong việc xây dựng nhiều thương hiệu sản phẩm. Đến nay, HTX đã có 5 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 2 và 3 sao, trong đó có một số sản phẩm tiêu biểu được người tiêu dùng ưa chuộng, như: Mật quả dứa, trà thảo mộc chè dây Dạ Cẩm, trà thảo mộc Insulac; cao Thắng Xịn…

Theo ông Thái Minh Tiến, đại diện HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn, các sản phẩm của HTX đều sử dụng nguyên liệu là nông sản do các hộ thành viên tự trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất sạch, an toàn. Thời gian tới, HTX sẽ nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn; đăng ký nâng hạng thêm 3 mã sản phẩm lên chuẩn OCOP 3 và 4 sao, góp phần nâng tầm chất lượng nông sản địa phương.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Sau gần 4 năm thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, đồng thuận của các DN, HTX, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn, chương trình OCOP của An Lão đã có nhiều bước tiến đáng kể cả về quy mô và giá trị sản xuất hàng hóa. Theo đó, toàn huyện có 39 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 2 và 3 sao. Trong giai đoạn 2023 – 2025, huyện phấn đấu có ít nhất 23 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao; 6 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao.

Các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm OCOP tại hội nghị đánh giá, phân hạng và công bố sản phẩm OCOP được UBND huyện An Lão tổ chức. Ảnh: Hữu Bá

Dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng chương trình OCOP của An Lão vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bởi, nhiều xã chưa quan tâm đúng mức đến việc triển khai chương trình, các sản phẩm tuy đã được công nhận 3 sao nhưng việc phát triển về quy mô, số lượng, năng lực sản xuất để có thể nâng hạng còn nhiều trở ngại. Các giải pháp tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử còn hạn chế; các chủ thể bị động trong khâu quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, ít chú trọng nâng cao chất lượng…

Theo ông Đỗ Đình Biểu, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Lão, thời gian tới, Phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP; đẩy mạnh đào tạo, tập huấn gắn với phương pháp phát triển dựa vào nguồn lực cộng đồng để nâng cao năng lực, nhận thức và sự tham gia của chủ thể OCOP; tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương…

Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện An Lão, cho biết: Thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2023 – 2025, UBND huyện sẽ tăng cường công tác xúc tiến thương mại để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Trong đó, tập trung kết nối cung – cầu cho sản phẩm thông qua các hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm thường niên gắn với văn hóa địa phương và du lịch trải nghiệm; xây dựng điểm bán sản phẩm OCOP tại xã An Hòa; xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ số… để đưa các sản phẩm trở thành một dấu hiệu nhận diện trên thị trường, tạo niềm tin để thúc đẩy thương mại.

Duy Đăng

Báo Bình Định Online – baobinhdinh.vn