Sản xuất bánh tráng rế – sản phẩm OCOP 3 sao của Doanh nghiệp tư nhân Vinh Phước Hưng, xã An Qui, huyện Thạnh Phú
38 sản phẩm OCOP
Huyện chú trọng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi; khuyến khích và tạo điều kiện cho các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, hộ dân phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; duy trì, phát huy hiệu quả và mở rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm, nhất là các sản phẩm đặc trưng ở từng địa phương. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã định hướng cho các địa phương và chủ thể lựa chọn những sản phẩm là thế mạnh, chủ lực của mình gắn với các chuỗi giá trị để đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp điển hình.
Điểm nhấn là trong 2 năm 2022 – 2023, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; quan tâm việc khảo sát sản phẩm tiềm năng và hỗ trợ các chủ thể trong xây dựng, hoàn thiện sản phẩm; tham mưu trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh, huyện đánh giá, phân hạng và công nhận. Lũy kế đến nay, toàn huyện có 38 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao, 35 sản phẩm đạt 3 sao (trong đó có 1 sản phẩm OCOP về du lịch). Tiêu biểu là các sản phẩm OCOP như: khô cá bông lau, cá rô phi, cá đù đỏ, cá bống cát một nắng của Công ty TNHH Chế biến thủy sản Phát Huy, xã Thạnh Phong; gạo sạch của HTX Lúa – tôm Thạnh Phú; xoài tứ quý và cua biển Bến Tre của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Phong; nghêu của HTX Thủy sản Thạnh Lợi, xã Thạnh Hải; các loại rau của HTX Nông nghiệp Bình Thạnh; nước màu dừa của HTX Nông nghiệp Thới Thạnh; bánh tráng rế của doanh nghiệp tư nhân Vinh Phước Hưng, xã An Qui; bánh dừa Giồng Luông, lạp xưởng Giồng Luông của các hộ kinh doanh tại xã Đại Điền; các sản phẩm chế biến từ tôm của Công ty TNHH QT Hải Sản Xanh, xã Giao Thạnh… Việc xây dựng các sản phẩm OCOP góp phần thúc đẩy phát triển và nâng cao thu nhập của người dân, là “đòn bẩy” giúp huyện đẩy nhanh tiến trình xây dựng huyện NTM.
Gắn với chuỗi giá trị
Hiện tại, các chuỗi giá trị của huyện được hình thành và từng bước phát triển ổn định. Trong đó, chuỗi 3 cây (lúa, dừa, xoài) đang được huyện tập trung phát triển các loại hình sản xuất phù hợp từng vùng sinh thái của các tiểu vùng theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cũng như xây dựng sản phẩm OCOP từ các loại cây trồng này. Chuỗi giá trị 3 con (con bò, gia cầm, tôm biển) cũng đang phát triển mạnh, nổi bật là tôm biển. Những năm gần đây, việc triển khai mô hình nuôi tôm thâm canh theo hướng ứng dụng công nghệ cao được huyện quan tâm vận động phát triển. Đến nay, toàn huyện có 1.247ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tập trung ở các xã vùng lợ, mặn, đạt năng suất cao, đạt hơn 83% chỉ tiêu tỉnh giao đến năm 2025 theo kế hoạch phát triển 4.000ha nuôi tôm biển giai đoạn 2021 – 2025. Hiện nay, huyện phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh và các doanh nghiệp hỗ trợ các hộ nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao xây dựng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt chứng nhận ASC, an toàn sạch bệnh. Đồng thời, huyện có định hướng phát triển sản phẩm OCOP từ chuỗi tôm này.
Đại biểu tham quan khu trưng bày sản phẩm OCOP của huyện tại một sự kiện
Thực tiễn trong thực hiện Chương trình OCOP tại huyện cho thấy, để sản phẩm OCOP tồn tại và phát triển cần đảm bảo nhiều yếu tố, có thể kể đến như: chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm; phát triển các điểm bán hàng và quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP, tạo hệ thống phân phối hiệu quả, giá cả phải cạnh tranh đối với các sản phẩm tương đồng trên thị trường. Bên cạnh đó, yếu tố thương hiệu, chỉ dẫn địa lý tạo ra sản phẩm đặc trưng, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh được xác định là then chốt.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lê Văn Tiến cho biết: Huyện đang tập trung rà soát, hỗ trợ các chủ thể đã đạt OCOP 3 sao nâng cấp lên 4 sao; hỗ trợ các sản phẩm tiềm năng để đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đối với các sản phẩm đạt 3 sao mà chưa có vùng nguyên liệu, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ phối hợp với các xã vận động hộ dân có điều kiện tham gia mở rộng vùng nguyên liệu đảm bảo cung cấp đủ cho các chủ thể để xây dựng, phát triển sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ. Phối hợp hỗ trợ các chủ thể tham gia các chương trình kết nối thương mại, giới thiệu sản phẩm ở các tỉnh, trong nước để phát huy lợi thế, tiềm năng của các sản phẩm, tạo thu nhập cho các chủ thể…
Có thể khẳng định, Chương trình OCOP ở huyện Thạnh Phú đã có sự lan tỏa tích cực, thêm làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, tạo sức bật để khẳng định thương hiệu, giá trị sản phẩm của huyện trên thị trường. Đây còn là cơ sở để huyện hoàn thiện vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh liên kết sản xuất, phát triển nền nông nghiệp xanh theo hướng bền vững. Qua đó, góp phần thực hiện có kết quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, đặc biệt là xây dựng thành công huyện nông thôn mới vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Huyện Thạnh Phú có sản phẩm mang nhãn hiệu cộng đồng nhiều nhất của tỉnh với 3 nhãn hiệu tập thể (chổi Mỹ An, tép rang dừa Mỹ Hưng, lúa sạch An Nhơn), 3 nhãn hiệu chứng nhận (gạo sạch Thạnh Phú, xoài tứ quí, Giồng Luông) và 2 chỉ dẫn địa lý (lúa Nàng Keo và xoài tứ quí). Việc tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, chứng nhận, chỉ dẫn địa lý nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao uy tín và danh tiếng của sản phẩm, xúc tiến thương mại cho sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người sản xuất, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giữ gìn và phát huy giá trị sản phẩm của địa phương, tăng đóng góp vào ngân sách phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. |
Bài, ảnh: Minh Mừng
Báo Đồng Khởi – baodongkhoi.vn