Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS gắn với phát triển du lịch xứ Nghệ: Đưa giá trị văn hóa trở thành sản phẩm “mũi nhọn” cho du lịch vùng DTTS

Trong tâm thức của những người làm công tác du lịch thì, du lịch văn hóa tâm linh gắn với nét đặc sắc văn hóa truyền thống của các DTTS, được xác định là 1 trong 3 “chân kiềng” của du lịch Nghệ An. Theo đó, cùng với du lịch biển và du lịch sinh thái và bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS…,chính là nguồn tài nguyên có thể hái ra tiền từ hoạt động du lịch vùng DTTS ở miền Tây xứ Nghệ. Do vậy, thực hiện hiệu quả nội dung hỗ trợ, đầu tư giải quyết những vấn đề tồn tại, hạn chế nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch đặt ra tại Dự án 6, Chương trình MTQG 1719 được xem là “đòn bẩy” quan trọng để đạt mục tiêu này.

Khách tây thích thú với trải nghiệm tại du lịch cộng đồng ở miền Tây xứ Nghệ

Du khách nước ngoài thích thú với trải nghiệm du lịch cộng đồng ở miền Tây xứ Nghệ

Khách tăng, thu nhập tăng

Vào những ngày hè, dịp cuối tuần, khách du lịch từ mọi miền đổ về các huyện miền Tây Nghệ An như trẩy hội. Trên quốc lộ 7A, từng đoàn khách du lịch lên đất Con Cuông để thưởng ngoạn du lịch cộng đồng bản Khe Rạn, bản Xiềng gắn với thác Khe Kèm, đập Phà Lài; đến Tương Dương với rừng nguyên sinh Săng Lẻ, đền Vạn-Cửa Rào; hay trên quốc lộ 48 là các điểm đến hấp dẫn như Hang Bua, làng du lịch bản Thái cổ Hoa Tiến (Quỳ Châu), Đền chín gian, thác 7 tầng, thác Xao Va (Quế Phong) và Đền Choọng, Mường Ham (Quỳ Hợp)…

Kể về lượng khách du lịch ghé thăm các di tích, thắng cảnh, tham quan văn hóa các DTTS, ông Nguyễn Hùng Sơn, cán bộ phòng văn hóa huyện Quỳ Châu hồ hởi: Trong 9 tháng đầu năm huyện Quỳ Châu đón khoảng 16.000 lượt khách. Trong đó, khách Quốc tế 4 đoàn gồm 25 người (Trung Quốc, Ý, Đức, Nga). Doanh thu ước đạt 3,85 tỷ đồng. Các điểm đón khách tham quan gồm: Bảo tàng văn hóa các dân tộc, Bản du lịch cộng đồng Hoa Tiến, lễ hội Hang Bua – đền Chiêng Ngam, Thác Khe Bàn, Thác Đũa. Khu sinh thái Vườn Thỏ…

Đông đảo du khách về với lễ hội đền Choọng huyện Quỳ Hợp

Đông đảo du khách về với lễ hội đền Choọng huyện Quỳ Hợp

Ở huyện Quế Phong, theo số liệu tổng hợp trong 2 năm 2021 và 2022, trên địa bàn đã đón khoảng 4.500 lượt khách/năm, với tổng thu ước đạt gần 5 tỷ đồng/năm. Lãnh đạo huyện Quế Phong chia sẻ: doanh thu là một phần quan trọng nhưng cũng nhờ lượng khách du lịch ghé thăm mà nhiều người đã biết đến Quế Phong, đó là điều đáng quý hơn.

Nằm ở vùng miền núi thấp, Tân Kỳ cũng là một trong những địa phương ngày càng thu hút được nhiều du khách gần xa từ chính truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào các DTTS. Chỉ tính trong giai đoạn 2017 – 2020, huyện đã đón tiếp khoảng 12.000 – 15.000 lượt khách/năm. Còn trong 2 năm 2021-2022, lượng khách du lịch đã vượt con số 3 năm trước từ 2.000-3.000 khách mỗi năm.

Trưởng phòng Văn hóa huyện Tân Kỳ Hoàng Xuân Hạnh cho rằng: khách tăng, tổng thu nhập tăng nên đời sống bà con vùng du lịch cũng đã được cải thiện đáng kể. Từ các homestay, từ dịch vụ ăn uống, từ tổ chức giao lưu dân ca, dân vũ và các trò chơi dân gian tại các điểm du lịch… đã tạo ra việc làm, thu nhập đáng kể cho người dân.

Giới thiệu sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến huyện Quỳ Châu đến du khách nước ngoài

Giới thiệu sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến huyện Quỳ Châu đến du khách nước ngoài

Không chỉ nguồn thu trực tiếp từ buôn bán các sản phẩm, dịch vụ homestay, tham quan… cho khách du lịch, mà tâm lý, nhận thức, suy nghĩ, hành động của mỗi người dân vùng DTTS cũng đã có những chuyển biến tích cực. Ngay câu chuyện phục vụ ăn, nghỉ cho khách du lịch cũng đã được người dân vùng DTTS đầu tư, phát triển mang tính bài bản, dài hơi.

Trên địa bàn một số huyện, hộ kinh doanh và nông dân sản xuất ra những sản phẩm phục vụ du lịch tại chỗ, đã bắt đầu hình thành và bước đầu hoạt động theo chuỗi. Thậm chí, nhiều sản phẩm của đồng bào, từ chỗ phục vụ du lịch trong nước, trong tỉnh đã được bà con vùng DTTS nâng tầm để vươn xa, như sản phẩm thổ cẩm bản Hoa Tiến (Quỳ Châu) đã có mặt ở một số thị trường khó tính ở Tây âu…

Thu nhập từ du lịch thông qua việc khai thác phát huy giá trị đặc sắc văn hóa các DTTS, đang là nguồn thu mới, và còn đầy tiềm năng. Bởi nó không chỉ giải quyết việc làm, hình thành nên các chuỗi kinh tế (chuỗi từ nuôi trồng, cung ứng, chế biến đặc sản vùng đất thành món ăn, thức uống phục vụ khách du lịch); hình thành tư duy làm kinh tế theo thị trường cho bà con miền núi; mà hơn hết là để gìn giữ, bảo tồn tốt hơn các giá trị văn hóa, cũng là cách để quảng bá, mời gọi nhiều hơn những doanh nhân, doanh nghiệp về tìm hiểu, bắt tay đầu tư trên địa bàn.

Chương trình MTQG 1719 sẽ đưa du lịch vùng DTTS vươn xa

Để phát triển du lịch, đưa du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều địa phương đã có những giải pháp, kế hoạch cụ thể.

Một góc làng nghề thổ cẩm người Thái ở bản Na Loi, xã Na Loi, huyện Kì Sơn

Một góc làng nghề thổ cẩm người Thái ở bản Na Loi, xã Na Loi, huyện Kì Sơn

Nhìn từ huyện Con Cuông sẽ thấy rõ điều đó. Đề án “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Thái gắn với phát triển du lịch huyện Con Cuông” giai đoạn 2023-2030, chính là nhằm tận dụng bản sắc văn hóa dân tộc Thái làm nguồn lực, thế mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, phát triển kinh tế – xã hội của huyện.

Đây là minh chứng cho thực tế về cách làm của mỗi địa phương bên cạnh nguồn lực của chương trình MTQG 1719. Tuy nhiên, nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 với việc thực hiện nội dung tại Dự án 6… sẽ mang tính bài bản, dài hơi, xuyên suốt và thống nhất trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch.

Trở lại với huyện Con Cuông, trong Chương trình MTQG 1719, tổng dự kiến kinh phí huyện Con Cuông chi ra để bảo tồn và phát triển đặc sắc văn hóa DTTS gắn với phát triển du lịch là 19,2 tỷ đồng. Ông Hoàng Sỹ Kiện, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông xác nhận: Giai đoạn 2023- 2027, huyện dự kiến đầu từ 13,9 tỷ đồng và giai đoạn 2028 – 2030, dự kiến đầu tư 5,3 tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với hoạt động bảo tồn và phát triển đặc sắc văn hóa DTTS gắn với phát triển du lịch.

Theo kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, Nghệ An dành 77,4 tỷ đồng để thực hiện Dự án 6; trong đó cấp tỉnh là 30,756 tỷ đồng và cấp huyện là 46,647 tỷ đồng. Riêng, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 thực hiện Dự án 6, là 17,158 tỷ đồng; trong đó cấp tỉnh là 3,318 tỷ đồng và cấp huyện là 13,840 tỷ đồng. Và kế hoạch vốn sự nghiệp ngân sách trung ương năm 2023, thực hiện Dự án 6 được bố trí 8,522 tỷ đồng; trong đó cấp tỉnh là 6,382 tỷ đồng và cấp huyện là 2,140 tỷ đồng.

Chèo thuyền trên sông Giăng, khám phá đại ngàn Pù Mát huyện Con Cuông

Chèo thuyền trên sông Giăng, khám phá đại ngàn Pù Mát huyện Con Cuông

Đại diện Phòng quản lý văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao) tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 là rất quan trọng để các địa phương thực hiện hai chức năng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS gắn với phát triển du lịch.

Đây là những đầu tư “cứng” từ một Chương trình lớn của Trung ương theo phân kỳ giai đoạn 2021-2030, thay vì đầu tư nhỏ giọt hoặc đầu tư tùy vào năng lực tài chính của các địa phương đã làm như trong thời gian qua. Đó chắc chắn sẽ mở ra cơ hội để du lịch vùng DTTS gắn với đặc sắc văn hóa truyền thống phát triển hơn nữa.

Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao cũng cho rằng, việc thực hiện Dự án 6 Chương trình MTQG 1719 đang gặp một số vấn đề cần tháo gỡ. Đó là các ban, bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục tham mưu cho Chính phủ duy trì nguồn vốn Chương trình MTQG về văn hóa cấp cho các địa phương; đồng thời tham mưu tăng định mức kinh phí cấp hằng năm và tăng mức kinh phí cấp cho từng tỉnh tùy theo đặc thù của từng tỉnh.

Mặt khác, cần có cơ chế chính sách đặc thù cho việc phát triển lĩnh vực du lịch, thể thao, gia đình vùng đồng bào DTTS, trong đó ưu tiên hỗ trợ kinh phí phát triển văn hóa, thể thao, gia đình và du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch khu vực khó khăn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể người DTTS, xây dựng các thế chế văn hóa – thể thao đạt chuẩn.

Cảnh sắc mê hoặc ở đền Vạn - Cửa Rào huyện Tương Dương

Cảnh sắc mê hoặc ở đền Vạn – Cửa Rào huyện Tương Dương

Đối với tỉnh Nghệ An, Sở Văn hóa và Thể thao cũng đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá cơ sở, xây dựng và sớm hoàn thiện chính sách đào tạo bồi dưỡng và tuyển dụng cho con em đồng bào DTTS về lĩnh vực văn hoá nghệ thuật.

Tăng cường hơn nữa hoạt động giao lưu văn hoá các vùng miền để các dân tộc được giao lưu, học tập cũng như quảng bá, giới thiệu văn hoá của dân tộc trên địa bàn. Phân khai lộ trình triển khai các dự án hỗ trợ, đầu tư đảm bảo chiến lược dài hạn, trung hạn và hàng năm; tránh dàn trải, hình thức nhằm duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đảm bảo thuận lợi, hiệu quả.

Nguyễn Thanh

Báo Dân tộc và Phát triển – baodantoc.vn