Nông nghiệp và du lịch là 2 trong 4 trụ cột của nền kinh tế Hậu Giang. (Trong ảnh: Ông Trần Văn Huyến (bìa trái), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, tham quan tại Khu du lịch Mùa Xuân).
Hấp dẫn du lịch nông nghiệp – nông thôn
Vào những dịp lễ hay hội nghị lớn của tỉnh, nhất là vào dịp tết như hiện nay thì trang trại nuôi dê của gia đình ông Nguyễn Văn Đua, ở ấp 2B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, luôn tấp nập du khách trong và ngoài tỉnh, thậm chí có cả khách quốc tế đến tham quan và trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị tại đây.
Theo ông Đua, sau khi cơ sở có nhiều sản phẩm chế biến từ sữa dê được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, đồng thời nắm bắt nhu cầu của khách hàng về việc muốn tham quan và trải nghiệm quy trình nuôi dê và lấy sữa dê, cũng như việc chế biến các sản phẩm từ sữa dê nên nhiều năm qua, ông đã mạnh dạn làm du lịch nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP của mình. Hiện trang trại sữa dê Ngọc Đào của ông tạo ấn tượng với du khách bởi thiết kế mộc mạc, mang đậm phong cách làng quê bình yên. Không chỉ cung cấp sữa dê thanh trùng và nhiều sản phẩm khác được chế biến từ sữa dê đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, trang trại còn là nơi tham quan được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh thích thú bởi những trải nghiệm thực tế.
Cùng với việc xây dựng điểm du lịch nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP thì du lịch từ làng nghề truyền thống và du lịch nông nghiệp sinh thái cũng đang phát triển và tạo sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong và ngoài tỉnh. Điển hình như tại làng nghề truyền thống trồng trầu vàng ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy. Dây trầu vàng đã tồn tại nơi đây gần 100 năm qua, không chỉ giúp cho bà con xứ này vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, mà còn lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống. Do đó hàng năm, làng nghề truyền thống trồng trầu vàng ở xã Vị Thủy luôn đón nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chia sẻ kinh nghiệm trồng trầu với người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Trầu Vàng Vị Thủy, xã Vị Thủy, cho biết: “Thời gian qua, được sự quan tâm của huyện đã hỗ trợ kinh phí làm đường đi xung quanh vườn trầu; đồng thời duy tu, phục hồi lại giếng nước của ông “Hội đồng Tô” thời xưa để tạo thêm nhiều điểm cho du khách đến tham quan. Tới đây, các thành viên của HTX có dự tính làm các loại bánh đặc trưng địa phương và nấu những món ăn dân dã quê hương nhằm phục vụ du khách khi đến thăm làng trầu”.
Theo ghi nhận của ngành chức năng Hậu Giang, hiện toàn tỉnh đã hình thành và phát triển được hơn 20 điểm du lịch nông nghiệp – nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh. Trong đó, ngoài 2 điểm du lịch trên thì có thể kể đến một số điểm du lịch nông nghiệp – nông thôn ấn tượng khác như: Vườn dâu Thiên Ân, ở thành phố Ngã Bảy; Homestay Mương Đình, ở huyện Châu Thành A; Khu du lịch Mùa Xuân và Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, ở huyện Phụng Hiệp; khu du lịch vườn khóm cộng đồng, ở thành phố Vị Thanh…
Hàng năm, điểm du lịch nông nghiệp tại trang trại nuôi dê Ngọc Đào luôn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.
Tạo liên kết và tiêu thụ nông sản
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều loại hình du lịch nông thôn như: Du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề… Những loại hình du lịch này ở nông thôn đang mang lại nhiều ý nghĩa. Trong đó, một là giúp phát triển kinh tế nông thôn, hai là tạo sự gắn kết và tự hào về một miền quê tươi đẹp mà mỗi cư dân tại địa phương cảm nhận qua những sản phẩm du lịch mà họ muốn giới thiệu đến du khách.
Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh, điều quan trọng của việc phát triển du lịch nông thôn hiện nay là thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ nông sản, gia tăng giá trị nông sản nhờ hoạt động du lịch là kênh quảng bá hữu hiệu cho nông sản địa phương. Ngược lại, nông sản đặc trưng của địa phương là hồn cốt tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo thúc đẩy cho ngành du lịch phát triển. Bên cạnh đó, tính bền vững xã hội nông thôn sẽ được đảm bảo khi du lịch nông nghiệp – nông thôn tạo cơ hội cho người dân thiếu việc làm ở vùng nông thôn kiếm thu nhập tại nơi mình sinh sống, không phải tìm về thành thị để mưu sinh.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: Xác định lĩnh vực nông nghiệp và du lịch là 2 trong 4 trụ cột của nền kinh tế Hậu Giang, do đó, thời gian qua, tỉnh đã triển khai kịp thời, đồng bộ chương trình phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn trong xây dựng NTM, giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Hậu Giang đã ban hành được các chính sách về phát triển nông nghiệp, du lịch trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là những nông dân, nhà vườn, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh đang dần có sự quan tâm, đầu tư phát triển các địa điểm du lịch nông nghiệp – nông thôn ngày một tốt hơn. Từ những mặt thuận lợi trên đã góp phần vực dậy đáng kể cho lĩnh vực nông nghiệp và du lịch của tỉnh trong thời gian qua, đồng thời tạo cơ sở cho những mục tiêu lớn tiếp theo.
Phát huy những kết quả đạt được, tỉnh Hậu Giang đề ra mục tiêu chung cho phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh trong thời gian tới là đẩy mạnh phát triển du lịch miệt vườn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông – lâm – ngư nghiệp nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và xây dựng NTM bền vững.
Một số chỉ tiêu lớn được đề ra trong phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn của Hậu Giang từ nay đến năm 2025 là phấn đấu có 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; đồng thời có ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận số hóa và được kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số… |
Tuấn Phát
Báo Hậu Giang – baohaugiang.vn