Bắc Ninh: Xây dựng vùng nguyên liệu OCOP

Sau hơn 5 năm triển khai, Chương trình OCOP tại Bắc Ninh đem đến những chuyển biến tích cực trong quá trình nâng cao chất lượng, thương hiệu của nhiều sản phẩm. Thị trường rộng lớn hơn, sản lượng tăng cao đòi hỏi các chủ thể, cơ sở, doanh nghiệp phải xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng liên kết chuỗi và bền vững hơn.

Là một trong những chủ thể có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh, ông Nguyễn Văn Khương, Giám đốc HTX đầu tư và phát triển nông nghiệp Khương Huy (thị xã Thuận Thành) chia sẻ: “HTX hiện sản xuất hơn 20 dòng sản phẩm, trong đó có 11 sản phẩm được công nhận OCOP và xếp hạng 3-4 sao như: Bún khô, Bún gạo hữu cơ, Bún khô khoai lang tím, Phở khô, Phở khô hoa đậu biếc…. Thị trường chúng tôi hướng tới là phân khúc cao cấp, tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, xuất khẩu với giá thành cao, nên các nguyên liệu đầu vào phải rất chọn lọc, ưu tiên hàng đầu về chất lượng. Chẳng hạn lúa, thịt lợn phải đạt chứng nhận VietGap hoặc theo hướng an toàn, hữu cơ…, sản lượng cung ứng đều đặn, riêng gạo cần khoảng 20 tấn/tháng. Tuy nhiên, chưa có cơ sở nào tại Bắc Ninh đáp ứng được yêu cầu, chúng tôi phải liên kết với một số đối tác ở Bắc Giang để duy trì vùng nguyên liệu”.

HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Lân (Yên Phong) xây dựng được vùng nguyên liệu tại chỗ

Theo ông Khương, việc không chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ khiến HTX gặp một số khó khăn như: tăng chi phí sản xuất, khó kiểm soát chất lượng nguồn đầu vào… Với mục tiêu tiếp tục mở rộng sản phẩm công nhận OCOP, HTX mong muốn được hỗ trợ xây dựng tại chỗ hoặc liên kết với các vùng sản xuất đạt chất lượng cao,  ổn định về sản lượng.

Cùng chung nguyện vọng, ông Đoàn Bá Hiền, Giám đốc HTX sản xuất Nông sản – Thủy sản Sen vàng Tự Phát (xã Chi Lăng, thị xã Quế Võ) cho biết: “Đi vào hoạt động từ 6 năm trước, đến nay, chúng tôi có thị trường riêng với 4 sản phẩm được công nhận OCOP là củ sen tươi, trà củ sen đóng túi lọc, trà củ sen nguyên miếng, tinh bột củ sen. Trước đây, HTX thuê lại các hộ dân trong vùng được gần 20 ha trồng sen, đặt thiết kế các loại máy đào củ, máy sấy, máy cắt, máy nghiền bột, nhà lạnh… chế biến sen thành phẩm, tạo việc làm cho khoảng 15 lao động địa phương. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu của HTX đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tới nay chỉ còn duy trì được đầm sen 12 ha do một số hộ đòi lại ruộng đã cho thuê. Trong khi nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm ngày càng lớn, chúng tôi dự kiến sẽ tìm kiếm, liên kết với một số trang trại trồng sen ở các địa phương khác để mở rộng thêm sản phẩm, nâng hạng OCOP và hướng tới thị trường xuất khẩu”.

Toàn tỉnh công nhận 167 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Số lượng sản phẩm OCOP gia tăng qua từng năm, ngày càng hoàn thiện từ chất lượng đến mẫu mã, bao bì, chủng loại… Tại một số địa phương, sản phẩm OCOP được khai thác hiệu quả tác động không nhỏ tới vùng sản xuất gắn với sản phẩm chủ lực như gạo nếp cái hoa vàng Đức Lân, tỏi một nhánh Gia Bình, khoai tây Quế Võ, tỏi An Thịnh… Trong điều kiện diện tích đất đai ngày một thu hẹp, khả năng hình thành được vùng nguyên liệu riêng của các cơ sở, doanh nghiệp, HTX hết sức khó khăn. Không phải đơn vị nào cũng thuê được đất để sản xuất hoặc phải thuê với chi phí cao, thời gian thuê ngắn. Một số liên kết giữa chủ thể OCOP với người sản xuất trong cung cấp nguyên liệu chưa bền chặt, việc tiêu chuẩn hóa nguồn nguyên liệu chưa được quan tâm… Điều này ảnh hưởng lớn tới quy mô sản xuất, định hướng phát triển sản phẩm OCOP và duy trì việc làm cho người lao động.

Trong khi đó, trên cơ sở quy hoạch chung, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt, ngành Nông nghiệp tỉnh định hướng sẽ xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP với các nội dung như: Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường liên kết vùng, mở rộng diện tích vùng trồng khoai tây Quế võ; vùng trồng cà rốt Gia Bình, Lương Tài; vùng trồng chuối Hán Quảng, Cảnh Hưng; vùng trồng cây dược liệu tại Gia Bình, Lương Tài… theo hướng an toàn, hữu cơ. Thu hút đầu tư vốn, dây chuyền công nghệ hiện đại gắn với chế biến sản phẩm OCOP, hình thành các chuỗi giá trị…

Để làm được điều đó, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ quy vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến; khuyến khích phát triển các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương, sản xuất theo hướng hàng hóa… Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng mã số vùng trồng tạo thuận lợi cho việc kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Bản thân các chủ thể cũng cần nâng cao năng lực về tài chính, chủ động trong định hướng liên kết, nhạy bén tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 200 sản phẩm được công nhận OCOP.

Song Giang
Báo Bắc Ninh – baobacninh.com.vn