Làng quan họ Viêm Xá tại phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh là một trong 3 địa điểm làng nghề được chọn xây dựng sản phẩm OCOP du lịch
Theo Đề án, tỉnh xây dựng sản phẩm du lịch OCOP tại 3 địa điểm làng nghề, làng văn hóa trên địa bàn tỉnh, gồm: làng nghề tranh Đông Hồ tại phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành; làng nghề gốm Phù Lãng tại xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ và làng quan họ Viêm Xá tại phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh theo nguyên tắc của Chương trình: “Bản sắc địa phương, chất lượng toàn cầu”.
Tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu công nhận 3 điểm OCOP du lịch đến năm 2024 đạt 3-4 sao, năm 2025 phấn đấu ít nhất 1 điểm công nhận 5 sao. Công nhận 3-5 sản phẩm OCOP đặc trưng, nổi trội của các địa phương triển khai xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng, đồng thời hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 tại các địa bàn triển khai xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch: xã Phù Lãng (thị xã Quế Võ), xã Song Hồ (thị xã Thuận Thành).
Làng nghề tranh Đông Hồ sẽ là một sản phẩm OCOP du lịch của tỉnh Bắc Ninh
Song song với đó, Đề án cũng tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho 100% người dân, chủ thể, cán bộ quản lý tại các địa phương triển khai xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch. Đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng, xây dựng các biểu tượng của làng nghề, khu văn hóa, nâng cấp, chỉnh trang cơ sở hạ tầng, phát triển thêm các điểm vui chơi giải trí, điểm trưng bày bán sản phẩm OCOP.
Từ đó, phát huy tính chủ động, sáng tạo, sự tham gia tích cực của người dân địa phương trong việc tham gia hình thành các sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng tại Phù Lãng, Đông Hồ, Viêm Xá và vùng phụ cận nhằm đa dạng hóa ngành nghề, cải thiện thu nhập; phát triển kinh tế-xã hội cộng đồng; hình thành điểm tiêu thụ, xuất khẩu tại chỗ hàng hóa đặc sản địa phương.
Quang cảnh phiên họp
Ngày 23/4, tại phiên họp Thường kỳ tháng 4 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, các ý kiến đề nghị khi triển khai Đề án cần khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng, tiềm năng du lịch, điều kiện phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực làng gốm Phù Lãng, làng tranh Đông Hồ, Khu phố Viêm Xá và vùng phụ cận của các địa điểm này. Đề xuất các định hướng phát triển; giải pháp quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật; hình thành các gói sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, phân khúc khách hàng.
Các ý kiến lưu ý định hướng phát triển sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng tại khu vực phải bảo đảm nguyên tắc về xây dựng và phát triển du lịch theo quy định của Luật Du lịch, phù hợp với chiến lược, định hướng phát triển du lịch của tỉnh, huyện; sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên du lịch nhân văn; đáp ứng các tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng theo quy định; phù hợp với quy hoạch chung của địa phương về cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội.
Dự kiến, tổng nhu cầu vốn để triển khai xây dựng thí điểm 3 sản phẩm OCOP du lịch là hơn 59 tỷ đồng.
An Trân
Báo Nhân Dân – nhandan.vn