Thành lập trong bối cảnh làng nghề gốm cần cải tiến, các hộ làm gốm cần có sự liên kết sản xuất và tiêu thụ để phát triển trong thời đại mới, HTX Dịch vụ và du lịch gốm Phù Lãng (thị xã Quế Võ, Bắc Ninh) được kỳ vọng trở thành điểm nhấn quan trọng cho sự phát triển của làng nghề gốm truyền thống. Đây cũng là nội dung nhằm cụ thể hóa Đề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025”.

Tại buổi lễ ra mắt HTX Dịch vụ và du lịch gốm Phù Lãng vào giữa tháng 3 vừa qua, cụ Trần Thị Luận, 93 tuổi, một cao niên gắn bó với nghề gốm tới hơn 70 năm phấn khởi: “Chứng kiến những thăng trầm của làng nghề truyền thống, hôm nay, tôi rất vui khi thấy các hộ đoàn kết, tập hợp ở mái nhà chung HTX. Gốm Phù Lãng là một trong những dòng gốm cổ, đặc trưng ở miền Bắc, trước đây được biết đến với những sản phẩm gia dụng, phục vụ sinh hoạt hàng ngày như chum, vại,… Trải qua hàng trăm năm phát triển, giờ đây sản phẩm gốm có nhiều dòng từ dân dụng, mỹ nghệ để phục vụ nhu cầu của thị trường. Dù đa dạng thế nào, tôi vẫn mong các thế hệ sau chung một chí hướng vì sự phát triển của làng nghề. Tôi hy vọng HTX là đầu tàu dẫn dắt làng nghề cùng đi lên”.

Chị Nguyễn Thị Hoa, cơ sở gốm Đức Thịnh cùng quan điểm: “Bên cạnh công phu chế tác ra những sản phẩm gốm mỹ nghệ đẹp, các cơ sở đều mong muốn mở rộng thêm mảng dịch vụ trải nghiệm cho du khách, vừa để quảng bá sản phẩm, giới thiệu tinh hoa làng nghề, vừa là cách xúc tiến thương mại. Hiện cơ sở gốm Đức Thịnh đã hình thành khu trải nghiệm riêng, nhưng nếu chỉ làm một mình, sức hút sẽ không cao, chúng tôi mong muốn thông qua HTX kết nối với các hộ khác, các doanh nghiệp để cùng tạo nên sản phẩm du lịch cộng đồng bài bản, mở rộng không gian đón khách đến với Phù Lãng.

Xã Phù Lãng hiện có khoảng 250 hộ sản xuất gốm, tạo việc làm cho khoảng 500-600 lao động. Mặc dù ngày càng được biết đến rộng rãi, nhưng về cơ bản, các hộ vẫn làm thủ công, chưa gắn kết với du lịch, thiếu cơ sở vật chất để du khách có thể nghỉ ngơi, tham quan và tìm hiểu cuộc sống tại đây. Một số hộ bước đầu triển khai sản phẩm du lịch như nặn đất, vẽ tranh, làm tranh gốm gắn với các trò chơi dân gian… nhưng không gian nhỏ hẹp, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu lưu trú của du khách. Các cơ sở chỉ hoạt động vào cuối tuần, dịp lễ Tết, chưa duy trì được nhịp độ thường xuyên.


HTX Dịch vụ và du lịch gốm Phù Lãng được kỳ vọng là đầu tàu dẫn dắt phát triển du lịch làng nghề.

Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của các hộ, được sự vận động của các ngành Nông nghiệp, Liên minh HTX và chính quyền địa phương, HTX Dịch vụ và du lịch gốm Phù Lãng chính thức được thành lập với 15 thành viên ban đầu. Anh Nguyễn Minh Ngọc, Giám đốc HTX bộc bạch: “Chúng tôi nhận thức được phát triển du lịch làng nghề không chỉ đem lại lợi nhuận, giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn là một cách thức để gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của làng gốm Phù Lãng. Vì vậy, kế hoạch hành động của HTX là tập hợp các hộ, đặt ra các phương án sản xuất, làm dịch vụ hoạt động trên tinh thần tự nguyện, hợp tác phù hợp với nhu cầu thị trường”.
HTX đã xây dựng điều lệ hoạt động gồm 5 chương, 32 điều là cơ sở pháp lý để điều hành hoạt động. Các thành viên HTX sẽ được nhiều quyền lợi như: được giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm do cơ sở hoặc bàn tay mình sản xuất ra; giới thiệu khách du lịch đến trải nghiệm, tham quan và mua các sản phẩm tại cơ sở gốm; trưng bày sản phẩm tại cơ sở trưng bày của HTX, được tham gia các hội chợ mà HTX đăng ký trong và ngoài nước; tham gia các hoạt động truyền nghề, học nghề, cùng bàn bạc trao đổi, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất gốm; bán sản phẩm cho khách du lịch mà HTX giới thiệu…

Trong giai đoạn đầu thành lập non trẻ, HTX rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cấp quản lý nhà nước về xây dựng cơ sở hạ tầng như văn phòng làm việc, điểm trông giữ xe, nhà trưng bày, điểm tiếp đón du khách, bãi tập kết nguyên vật liệu phục vụ sản xuất của HTX cũng như làng nghề… Hỗ trợ đào tạo, tập huấn các về phương pháp xây dựng, quản lý điều hành các hoạt động phát triển du lịch, một số kỹ năng cần thiết phục vụ nhu cầu của khách du lịch; hỗ trợ quảng bá sản phẩm gốm và các hoạt động du lịch của HTX; hỗ trợ tiếp cận các chương trình ưu đãi về vốn, khoa học công nghệ…

Chia sẻ nguyện vọng này với các thành viên HTX, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Quang khẳng định: “Sở phối hợp với các địa phương, đơn vị tư vấn khẩn trương triển khai các hạng mục chi tiết của dự án thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025; đồng hành cùng HTX khai thác tốt lợi thế du lịch cộng đồng và mở rộng sản phẩm OCOP đặc trưng”.

Song Giang
Báo Bắc Ninh – baobacninh.com.vn