Bạc Liêu: “Thổi hồn” cho du lịch nông thôn

Cảnh sắc thiên nhiên làng quê của vùng đất này thật thơ mộng, yên bình; tính cách người dân thì hào sảng, mến khách. Nơi đây còn sở hữu những sản vật đặc trưng của sông nước miền Tây cùng nét văn hóa bản địa đặc sắc… Các doanh nghiệp lữ hành, chuyên gia du lịch (DL) nông nghiệp, nông thôn đã chia sẻ như thế khi “mục sở thị” nông thôn Bạc Liêu. Thấy được những tiềm năng và cơ hội mà Bạc Liêu đang có, họ đã góp nhiều ý kiến tâm huyết để giúp tỉnh thổi hồn cho DL nông thôn tăng thêm sức hút.

“Nắm bắt xu thế, phát huy lợi thế”

Đó là khẳng định, cũng là mong muốn của Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phan Thanh Duy tại Hội thảo “Định hướng phát triển DL nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”. Hội thảo là một trong những hoạt động “đinh” của Ngày hội DL nông nghiệp, nông thôn và sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu năm 2023; thể hiện quyết tâm của tỉnh đối với phát triển DL nông nghiệp từ thế mạnh đặc trưng, phát huy sức mạnh của cộng đồng trong câu chuyện xây dựng nông thôn mới gắn với làm DL.

Tuy nông thôn Bạc Liêu có nhiều “chất liệu” để khai thác, song lãnh đạo tỉnh bày tỏ trăn trở khi DL nông nghiệp, nông thôn của tỉnh chỉ mới dừng lại ở mức độ tự phát, thiếu quy hoạch phát triển. Vì vậy, dẫn tới sự trùng lắp, đơn điệu và manh mún, khai thác chưa xứng với giá trị vốn có. Trong khi đó, DL nông thôn hướng đến thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa là tìm kiếm hàng đầu của du khách hiện nay. Để nắm bắt xu thế phát triển này, các sản phẩm DL nông nghiệp truyền thống, DL sinh thái vườn, DL cộng đồng thông qua sự cộng hưởng, giao thoa về văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng và lễ hội truyền thống là điều mà DL Bạc Liêu đang hướng tới xây dựng.

Ông Phan Xuân Anh – Chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt, chia sẻ: “Tôi đã về Bạc Liêu nhiều lần, từ thời điểm Cụm nhà Công tử Bạc Liêu chưa mở cửa đón du khách. Khi đó, DL nông thôn của tỉnh chỉ có Vườn chim Bạc Liêu. Trở lại khảo sát DL Bạc Liêu lần này, tôi thấy tỉnh có rất nhiều tài nguyên đặc sắc nếu được chăm chút, hỗ trợ đầu tư thích hợp và kéo theo đó là phát triển hạ tầng giao thông, quảng bá hình ảnh thì nó đủ sức trở thành sản phẩm hấp dẫn với du khách như: Điện gió, Nghề làm muối, Vườn nhãn hay Vườn chim Lập Điền”.

Các doanh nghiệp khảo sát thực tế tại chùa Giác Hoa (huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: H.T

Tạo sức hấp dẫn cho những điểm đến

Ấn tượng với Nghề làm muối Bạc Liêu, TS. Ngô Kiều Oanh – chuyên gia DL nông nghiệp, nông thôn cho biết, hiện mô hình DL muối vẫn còn mới mẻ. Bạc Liêu là tỉnh duy nhất có nghề làm muối được công nhận Di sản văn hóa cấp quốc gia nhưng chưa có mô hình DL muối. Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của UNDP (Quỹ Môi trường toàn cầu Liên Hiệp Quốc) đang tiến hành xây dựng thí điểm làng DL muối thông minh, công viên muối quốc gia tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình). Từ thành công của các nước trên thế giới, mô hình DL muối không chỉ giúp Bạc Liêu bảo tồn, phát triển nghề làm muối truyền thống mà còn tăng sinh kế cho diêm dân, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số DL nông thôn.

Theo các doanh nghiệp lữ hành, từ tài nguyên DL nông thôn sẵn có, chúng ta phải “thổi hồn” để tạo sức hấp dẫn cho điểm đến. Chẳng hạn, câu chuyện làm DL không chỉ là phục vụ những món ăn được trang trí bắt mắt, hương vị thơm ngon mà còn phải cho du khách nghe, thấy cách chế biến, ý nghĩa tên gọi món ăn. Hay với món bánh xèo A Mật rất nổi tiếng, du khách ăn thấy ngon là chưa đủ mà cần tạo thêm không gian để trải nghiệm cách chiên bánh xèo.

Qua hội thảo, các doanh nghiệp lữ hành TP. Hồ Chí Minh càng cảm nhận rõ sự cầu thị, quyết tâm phát triển DL nông thôn của Bạc Liêu. Nhiều đơn vị hứa hẹn sẽ đồng hành, kết nối cung đường với quê hương bản “Dạ cổ hoài lang” khi tỉnh tạo ra được những sản phẩm DL khác biệt, độc đáo tại những vùng nông thôn mới.

Hữu Thọ

Báo Bạc Liêu – baobaclieu.vn