Xã Nam Cường có tỉnh lộ 254 đi qua nối liền với Nam Mẫu của huyện Ba Bể và chỉ cách hồ Ba Bể gần 10 km; xã có sông Tà Điểng – một trong ba dòng sông chảy vào hồ Ba Bể. Nơi đây có cánh đồng Nam Cường rộng lớn trù phú và những dãy núi đá vôi tạo cảnh quan hùng vĩ. Nhận thấy địa phương có nhiều núi đá, địa hình đẹp để tạo điểm check in, phục vụ du lịch, anh Vũ Trung Huấn ở thôn Cọn Poỏng đã đầu tư xây dựng các phòng nghỉ và điểm check in cao 4 tầng trên đỉnh núi đá của thôn để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm. Từ trên cao nhìn xuống, điểm check in của anh Huấn nổi bật ấn tượng giữa màu xanh của núi rừng. Đến đây, du khách có thể nghỉ qua đêm tại những phòng nghỉ dọc theo sườn núi, ngắm toàn cảnh trung tâm xã Nam Cường từ trên cao và được thưởng thức những làn điệu dân ca, dân vũ do các thiếu nữ người Tày biểu diễn trên điểm check in có độ cao ấn tượng.
Dẫn chúng tôi leo lên từng bậc thang đá giữa rừng, anh Vũ Trung Huấn, Bí thư Chi bộ thôn Cọn Poỏng và cũng là chủ của điểm dừng nghỉ miễn phí này say sưa giới thiệu về mảnh đất thanh bình, thơ mộng với những tiềm năng du lịch đang dần được mở rộng. Thôn Cọn Poỏng tiếp giáp hồ Ba Bể, có đường giao thông thuận lợi, những năm qua, nhiều đoàn đến tham quan Hồ dừng tại thôn và tham gia một số trải nghiệm nông nghiệp, ngắm phong cảnh. Những năm gần đây, Cọn Poỏng được biết đến nhiều hơn khi Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Toàn Dân trồng thành công vườn dâu tây, thu hút một số lượng khách về với xã Nam Cường vào mùa quả dâu chín. Từ đó, bà con ở đây đã dựng lên một số điểm check in phục vụ khách du lịch, do vậy mà ý tưởng làm du lịch dần được hình thành trong dân nhưng chủ yếu là tự phát.
Điểm check in Tài Ngào của anh Huấn nằm trên núi đá cao, được làm kiên cố bằng sắt chắc chắn với hai tầng thoáng đãng. Đứng trên tầng cao nhất, nhìn mênh mông bốn bề mây núi, cánh đồng lúa bao la thu gọn trong tầm mắt, một bên là dãy núi đá hùng vĩ, một bên là những mái nhà đỏ tươi san sát nhau. Nhiều người bảo rằng, nếu nhìn kỹ sẽ thấy cánh đồng ấy có hình vết chân, đó cũng là vết chân của ông Tài Ngào, người hay được già làng ở bản Tày nhắc đến từ bao đời nay, thường hay đi giúp đỡ người dân dưới hạ giới khai hoang đất ruộng. Anh Huấn chia sẻ, sau gần một năm dồn hết tâm huyết, anh đã tạo được điểm dừng nghỉ của gia đình với tổng diện tích 700 m2, nền sân được trải sỏi và bao quanh bởi cây xanh. Trong sân là những chiếc chòi nhỏ, rất thích hợp để nghỉ ngơi, ăn uống hòa mình giữa thiên nhiên.
Rời điểm check in Tài Ngào, chúng tôi đi đến vườn dâu tây của Hợp tác xã Dịch vụ và Thương mại Toàn Dân. Đây là một trong những vườn dâu tây trồng thành công đầu tiên của Bắc Kạn. Khác với năm 2021, vườn dâu tây Nam Cường hiện đã mở rộng, có thêm cả vườn dưa lưới và nhiều góc chụp ảnh đa dạng, thú vị. Năm 2023, dâu tây của Hợp tác xã đã được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đúng mùa dâu chín, nhiều gia đình và các bạn trẻ đến đây chụp ảnh và hái dâu tại vườn. Cặm cụi với vườn dâu mới thu hoạch, chị Lý Thị Duyến phấn khởi “Năm nay, Hợp tác xã trồng 4 ha dâu tây. Chăm sóc dâu tây tương đối khó, trời nắng gắt, cây sẽ không phát triển được, khi chín gặp trời mưa, quả cũng sẽ bị thối. Ngoài ra phải thường xuyên theo dõi, khi cây ra hoa sẽ tỉa lá già, cây nhiều hoa quá phải tỉa bớt đi. Chính vì vậy, đòi hỏi người trồng dâu tây phải rất chú ý và cẩn thận nhưng cũng rất vui vì từ khi có vườn dâu mọi người biết đến quê mình nhiều hơn, chúng tôi cũng có việc làm với thu nhập ổn định. Tới đây, nếu Cọn Poỏng trở thành điểm du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới thì còn vui nữa, người dân như chúng tôi sẵn sàng ủng hộ và chung tay thực hiện”.
Theo Bí thư Chi bộ thôn Vũ Trung Huấn, cùng với cảnh quan thiên nhiên đẹp, thôn Cọn Poỏng còn có hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông thuận lợi, có hợp tác xã, trang trại, phong tục, ẩm thực, nghề truyền thống, di sản văn hóa lâu đời như hát then đàn tính, múa bát của dân tộc Tày, múa chuông, thêu thùa của dân tộc Dao. Với những lợi thế đó, thôn Cọn Poỏng đã được chọn để xây dựng điểm du lịch nông thôn năm 2023 của huyện Chợ Đồn. Để nâng cao kiến thức, hiểu biết về du lịch nông thôn – du lịch cộng đồng, tạo điều kiện cho người dân được trải nghiệm thực tế, học tập cách làm du lịch nông thôn, trong tháng 5/2023, các hộ dân dự kiến làm du lịch ở thôn Cọn Poỏng đã được tham quan, học tập cách làm du lịch nông thôn ở Khu du lịch Thái Hải – Làng văn hóa của đồng bào dân tộc Tày tại tỉnh Thái Nguyên và điểm du lịch cộng đồng Bản Vặt, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Cùng với nỗ lực của chính quyền và người dân, sau hơn 7 tháng triển khai, điểm du lịch Cọn Poỏng đã bước đầu được hình thành.
Để phục vụ nhu cầu ngày càng nhiều của khách du lịch, tại xã Nam Cường cũng đã thành lập được đội văn nghệ thường xuyên phục vụ du khách và liên kết với các homestay ở Nam Mẫu phục vụ du khách đến tham quan hồ Ba Bể khi có nhu cầu. Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển du lịch, hiện nay, một số hộ dân trong xã Nam Cường tổ chức các lớp học hát then đàn tính, dân ca, dân vũ theo hình thức xã hội hóa để thế hệ trẻ trong thôn biết thực hành, biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc phục vụ du khách đến tham quan tại địa phương.
Tiến tới phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở xã Nam Cường, thời gian qua, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chợ Đồn đã vận động bà con Nhân dân ở các thôn gìn giữ các nét văn hóa truyền thống để du khách trải nghiệm như khôi phục nghề dệt truyền thống ở Bản Chảy, trải nghiệm sinh thái, nông nghiệp ở Bản Lồm, xây dựng điểm dịch vụ ăn uống, lưu trú cùng với duy trì các mô hình hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm tại địa phương. Với lợi thế giao thông thuận lợi, là một trong những cửa ngõ vào di tích quốc gia hồ Ba Bể, xã Nam Cường đang hướng tới xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng để tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân tại địa phương./.
Thu Trang
Cổng TTĐT tỉnh Bắc Kạn – backan.gov.vn