Bắc Kạn: Quan tâm chứng nhận lại sản phẩm OCOP

Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) đã trở thành phong trào sản xuất có sức lan tỏa mạnh mẽ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, giúp khơi dậy nhu cầu sản xuất sản phẩm chất lượng mang đặc trưng, lợi thế vùng, miền và khai thác những tiềm năng, nội lực trong Nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay, việc công nhận lại sản phẩm OCOP sau khi hết hạn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, sản phẩm đều tăng qua các năm, chất lượng không ngừng được cải thiện. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 218 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao trở lên, đặc biệt có 1 sản phẩm OCOP 5 sao, 2 sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Nhật Bản khẳng định chất lượng sản phẩm OCOP của tỉnh trên thị trường quốc tế. Đến nay, 13 sản phẩm đã có vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ, VietGap, GACP-WHO; 8 chủ thể duy trì hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong quá trình sản xuất; các sản phẩm OCOP đã được đăng bán trên sàn thương mại điện tử. Qua điều tra, đánh giá hiệu quả Đề án trong giai đoạn 2018 – 2023 cho thấy, có 94,6% chủ thể có doanh thu tăng từ 1,1 lần trở lên; 86% chủ thể có nhà xưởng sản xuất; 95% giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương trở lên.

Việc được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đã mang lại nhiều lợi ích đối với các chủ thể. Đây được xem như “giấy thông hành” để sản phẩm có thể chiếm lĩnh, mở rộng thị trường. Tuy vậy, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 52 sản phẩm đến hạn phải đánh giá, công nhận lại OCOP nhưng chưa thực hiện. Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP có giá trị trong thời hạn 36 tháng. Sau thời gian trên, các chủ thể phải hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận lại. Quy định là vậy song vì nhiều lý do nên đến nay, việc công nhận lại sản phẩm OCOP đang gặp những trở ngại, nhiều chủ thể chưa chủ động làm các thủ tục để được cơ quan chức năng đánh giá, công nhận lại. Ngoài ra, Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP mới có điều chỉnh, bổ sung một số nội dung, đặc biệt, sản phẩm OCOP 4 sao có thêm một số tiêu chí cứng về môi trường, sở hữu trí tuệ, chứng nhận chất lượng… là những tiêu chí khó và cần nhiều thời gian để thực hiện.

Qua tìm hiểu thực tế, nhiều cơ sở cho biết, sở dĩ nhiều chủ thể chưa mặn mà với việc đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP là do hồ sơ đề nghị công nhận lại đòi hỏi tương tự như đối với công nhận lần đầu, trong khi tiêu chuẩn yêu cầu cao hơn, tốn kém thời gian, chi phí. Đối với hoạt động đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ, cộng thêm thị trường tiêu thụ, sự phát triển của một số sản phẩm còn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ, mang tính thời vụ nên các chủ thể chưa chú trọng nâng cấp sao cũng như hoàn thành thủ tục để tái chứng nhận sản phẩm OCOP…

Giám đốc Công ty TNHH Hà Diệp Hà Minh Đợi cho biết, từ năm 2022, các sản phẩm của doanh nghiệp đạt OCOP 3, 4 sao. Đến nay, một số sản phẩm sắp đến hạn cần tái chứng nhận. Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP mới, nhất là với sản phẩm 4 sao cần nâng cấp một số tiêu chí. Thời gian qua, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp di dời xưởng sản xuất nên cần thời gian mới được cấp tái chứng nhận ISO về sản xuất; bổ sung truy xuất nguồn gốc điện tử và tiêu chí cứng về vùng nguyên liệu doanh nghiệp sẽ tổ chức đánh giá lại. Doanh nghiệp sẽ nỗ lực hoàn thành các tiêu chí còn vướng. Doanh nghiệp đang nỗ lực tái cơ cấu, chuẩn hóa sản phẩm và đưa tất cả các sản phẩm của doanh nghiệp thành dòng sản phẩm cao cấp…

Sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Hà Diệp ngày càng được người tiêu dùng biết đến

Muốn tiếp tục được sử dụng logo OCOP có gắn sao, các chủ thể sản xuất thực hiện đăng ký đánh giá, phân hạng lại theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan. Để đảm bảo đúng chu trình OCOP được triển khai thực hiện thường niên theo nguyên tắc Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, ban hành cơ chế, chính sách, định hướng, quản lý, giám sát, hỗ trợ, tập huấn, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm…, hằng năm, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh và các địa phương đều rà soát, thống kê và gửi thông báo đến các chủ thể có sản phẩm hết thời hạn công nhận sản phẩm OCOP đúng theo quy định. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định đối với những sản phẩm hết thời hạn giấy chứng nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Thịnh – Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Bắc Kạn cho biết, hiện thành phố đang tiếp nhận các hồ sơ xin công nhận lại là sản phẩm OCOP đã được công nhận từ năm 2022, đồng thời hướng dẫn, vận động các chủ thể tiếp tục duy trì, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đăng ký, đánh giá lại sản phẩm để được sử dụng logo OCOP có gắn sao. Trong trường hợp chủ thể không tham gia đánh giá, phân hạng lại, các cơ quan chuyên môn sẽ đề xuất thu hồi danh hiệu OCOP và xử lý nếu có hành vi lợi dụng danh hiệu OCOP để tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Đối với các sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng, tập trung hướng dẫn, hỗ trợ nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, tăng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ…

Định hướng của tỉnh là nâng cấp các sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, thậm chí lên 5 sao với mục tiêu phát triển thị trường ra nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước và đẩy mạnh xuất khẩu ra thế giới. Do đó, theo kế hoạch, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cho các chủ thể tập trung xây dựng thương hiệu, mở rộng quy mô sản xuất, định hướng phát triển sản phẩm có chiều sâu và đáp ứng theo quy trình đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế như tiêu chuẩn: Organic, ISO: 22000, HACCP, VietGAP… và quan tâm hoàn thiện các thủ tục đánh giá lại các sản phẩm đến hạn cần chứng nhận lại./.

Thu Cúc
Cổng TTĐT tỉnh Bắc Kạn – backan.gov.vn