Bắc Kạn phát triển sản phẩm OCOP

Bắc Kạn là tỉnh thứ hai trên cả nước sau Quảng Ninh thực hiện bài bản và đồng bộ chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP). Ðến nay, tỉnh đã có số lượng sản phẩm với hạng sao cao ngày càng tăng, đã có sản phẩm được xuất khẩu.
Ðóng gói sản phẩm tại Hợp tác xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn.

Hợp tác xã Dương Quang là một trong những đơn vị hoạt động có hiệu quả tại thành phố Bắc Kạn. Hiện nay, hợp tác xã có sản phẩm lạp sườn gác bếp Dung Dinh, thịt lợn treo gác bếp Dung Dinh đã được công nhận sản phẩm OCOP ba sao. Ðể có được kết quả đó, những năm qua, bên cạnh việc đầu tư công nghệ, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến các sản phẩm là sự thay đổi tư duy sản xuất của các thành viên hợp tác xã.

Theo Giám đốc hợp tác xã Nông Thanh Nhã, trước đây, đơn vị phát triển chăn nuôi, trồng rau sạch, tuy nhiên, các sản phẩm chưa có mẫu mã, bao bì và tiêu thụ chủ yếu trong thị trường tỉnh. Năm 2018, hợp tác xã tổ chức lại sản xuất đúng thời điểm tỉnh bắt đầu triển khai chương trình OCOP. Tham gia chương trình, các thành viên đã nhận thức được rằng muốn sản phẩm có giá trị thì phải bảo đảm chất lượng, có đầy đủ nhãn mác và bao bì đẹp và biết quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường…

Chính vì vậy, cùng với việc đầu tư máy móc hiện đại nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác xã đã thiết kế nhãn mác cho từng sản phẩm. Hiện nay, các sản phẩm đều được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, được công nhận sản phẩm OCOP ba sao cấp tỉnh.

Nhiều sản phẩm đặc trưng ở vùng sâu, vùng xa nhờ tham gia chương trình OCOP đã định vị được thương hiệu và có mặt tại các siêu thị lớn trên cả nước. Tại huyện Chợ Ðồn, Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Chế biến dược liệu Ngọc Thắng đã lựa chọn sản xuất, chế biến chè Shan tuyết, sản vật có từ lâu đời tại xã Bằng Phúc. Công ty phối hợp với người dân chọn vùng nguyên liệu chè phải đạt từ 10 năm tuổi trở lên, áp dụng đầy đủ quy trình kỹ thuật từ thu hái, chăm sóc; chú trọng đầu tư mẫu mã, cải tiến, đa dạng hóa sản phẩm.

Theo thống kê, đến nay, Chợ Ðồn đã có 31 sản phẩm OCOP gồm ba sản phẩm bốn sao; 28 sản phẩm ba sao. Nhiều sản phẩm là sản vật đặc trưng của vùng như: lúa nếp Khẩu Nua Pái, xã Lương Bằng; chân giò hầm Hồng Quân; rượu men lá Bằng Phúc…

Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Ðồn Ðặng Ðình Phong cho biết: Chương trình OCOP đã thổi một “làn gió mới” vào sản xuất nông lâm nghiệp ở địa phương. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, nhất là các tổ hợp tác và hợp tác xã triển khai chương trình OCOP để hình thành chuỗi sản xuất giá trị hiệu quả cao. Huyện cũng đang nỗ lực kết nối để đưa sản phẩm bún, phở khô hướng tới xuất khẩu trong thời gian tới.

Xác định để phát triển hiệu quả trước hết phải tư vấn, hướng dẫn cho các chủ thể lựa chọn đúng hướng đi cho nên trong 5 năm qua, Bắc Kạn đã tổ chức 11 đợt tư vấn hỗ trợ tại chỗ cho 100% các chủ thể tham gia đề án. Liên minh Hợp tác xã tỉnh triển khai tư vấn trực tiếp cho hơn 1.200 sáng lập viên về kiến thức hợp tác xã, bộ máy tổ chức, hồ sơ sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Tỉnh cũng lựa chọn 25 sản phẩm OCOP đã được công nhận phát triển nhóm sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh.

Không những vậy, Bắc Kạn ưu tiên tối đa cơ chế, chính sách và nguồn lực để hỗ trợ các chủ thể xây dựng, chế biến cho tới kết nối tiêu thụ sản phẩm. Từ năm 2018 đến năm 2023, tỉnh đã đầu tư gần 200 tỷ đồng để thực hiện chương trình. Trong 5 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ 11 hợp tác xã tham gia chương trình OCOP thực hiện tám dự án, một đề tài nhằm chuẩn hóa vùng nguyên liệu sản xuất sản phẩm OCOP đã được công nhận. Cơ quan chuyên môn đã hỗ trợ 69 cơ sở cấp mới, bảy cơ sở cấp lại mã số, mã vạch; 24 tổ chức, cá nhân thực hiện cập nhật các dữ liệu phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam về truy xuất nguồn gốc.

Tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, Tỉnh ủy Bắc Kạn đánh giá, đề án đã đạt và vượt mục tiêu đề ra. Các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đã có nhận thức đúng đắn và tích cực triển khai thực hiện gắn với phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương. Những kết quả đạt được khẳng định hướng đi đúng của tỉnh trong việc huy động cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện.

Ðến hết năm 2023, toàn tỉnh có 218 sản phẩm được công nhận đạt OCOP ba sao trở lên. Kết quả này về đích sớm hai năm, đạt 109% so với mục tiêu đề án giai đoạn 2021-2025 đặt ra. Ðặc biệt, tỉnh có một sản phẩm OCOP năm sao trong số 42 sản phẩm đạt năm sao của cả nước, hai sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Nhật Bản; 13 sản phẩm đã có vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ, VietGAP, GACP-WHO; tám chủ thể duy trì hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong quá trình sản xuất. Các sản phẩm đã được đăng bán trên sàn thương mại điện tử. Có 94,6% số chủ thể có doanh thu tăng gấp từ 1,1 lần trở lên; 86% số chủ thể có nhà xưởng sản xuất; 95% số chủ thể góp phần giải quyết việc làm cho năm lao động địa phương trở lên…

Trong thời gian tới, Bắc Kạn đặt mục tiêu duy trì hơn 200 sản phẩm OCOP trở lên đạt 3-4 sao; trong đó phấn đấu đến năm 2025 có từ hai sản phẩm trở lên đạt năm sao. Ðồng thời củng cố, phát triển và duy trì hơn 100 tổ chức kinh tế tham gia OCOP Bắc Kạn và từng bước hình thành hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm OCOP Bắc Kạn. Tập trung ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển thương hiệu, trong phân phối, tiếp thị sản phẩm, qua đó nâng cao doanh số bán hàng OCOP của các chủ thể kinh tế.

Bài, ảnh: Tuấn SơnHương Dịu
Báo Nhân Dân – nhandan.vn