Bắc Kạn: Khuân Bang phát triển du lịch cộng đồng

Thôn Khuân Bang, xã Như Cố (Chợ Mới, Bắc Kạn) đang phát triển mô hình du lịch cộng đồng dựa trên lợi thế sẵn có về thiên nhiên, bản sắc văn hóa và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Thôn Khuân Bang , xã Như Cố (Chợ Mới) là một trong 3 địa phương được tỉnh Bắc Kạn lựa chọn triển khai thí điểm phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Nằm trên tuyến tỉnh lộ 256, từ thị trấn Đồng Tâm đi huyện Na Rì, thôn tọa lạc trong một thung lũng nhỏ giữa bốn bề núi non hùng vĩ, cách trung tâm xã Như Cố 1km về phía Bắc và cách trung tâm huyện Chợ Mới 3km về phía Đông.

Một góc thôn Khuân Bang.

Thôn có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 200ha, với 60 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Tày sinh sống. Khuân Bang hiện có 40 ngôi nhà sàn được thiết kế khang trang, sạch sẽ, thoáng mát, có sân rộng rất thích hợp cho tổ chức sự kiện sinh hoạt cộng đồng.

Nằm ở vị trí được thiên nhiên ưu ái ban tặng với hệ thống núi non, ao hồ bao quanh như: Hồ Tam Kha, thác Khe Cúp, đồi Nặm Tặc, động Thắm Hon… Bên cạnh đó, bà con nơi đây còn lưu giữ được một số ngành nghề truyền thống độc đáo như đan lát, dệt vải; cùng làn điệu văn hóa đặc sắc như hát then, đàn tính

Để hiện thực hóa Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND ngày 23/10/2023 của HĐND tỉnh Bắc Kạn, Huyện ủy Chợ Mới đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/HU ngày 28/02/2024 về việc tăng cường sự lãnh đạo về xây dựng điểm du lịch thôn Khuân Bang. Lồng ghép với Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, theo đó thôn Khuân Bang được đầu tư hỗ trợ tư vấn về không gian, cảnh quan, sản phẩm và cách làm du lịch; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ xúc tiến, quảng bá…, trong năm 2024 với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng.

nha-dang-sua-5444.jpg
Nhà sàn đang được xây dựng phục vụ cho hoạt động lưu trú của du khách.
nha-san-1448.jpg
Với thiết kế 5 gian, phục vụ tối thiểu 10 khách lưu trú.

Trong đó hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất bao gồm các hạng mục: Nhà văn hóa, nhà vệ sinh, cổng chào, lắp đặt biển chỉ dẫn du lịch, hỗ trợ xây dựng, mở rộng điểm trưng bày sản phẩm lưu niệm cho du khách…

Về hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, qua tiến hành rà soát hiện có 10 hộ gia đình đăng ký xây dựng homestay. Tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng với mức vay tối đa 500 triệu đồng/nhà. Các nếp nhà sàn được khai thác để làm nhà lưu trú cho khách nghỉ ngơi; giao lưu ẩm thực hay các hoạt động văn hóa, văn nghệ cùng người dân nơi đây như hát then, nhảy sạp, xao chè, ngâm chân, nấu rượu… Hiện tại có 02 hộ đang xây dựng, sửa chữa và có 01 nhà đã có thể phục vụ du khách có nhu cầu.


Ngôi nhà đã được hoàn thiện toàn bộ phần thiết kế.

Ngoài ra, với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/cơ sở để phát triển sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, hiện đã liên kết với các Hợp tác xã trên địa bàn: HTX Nông nghiệp thanh niên Như Cố, HTX dịch vụ nông nghiệp, Công ty chè Mộc Linh… Với các loại nông sản OCOP đặc trưng như: Dưa lưới, dưa lê, dâu tây, đồi chè xanh ngắt cùng những vườn thanh long ruột đỏ…, nhằm tạo ra sản phẩm lưu niệm, quà tặng đặc trưng phục vụ du khách.

che-2113.jpg
Các loại nông sản đặc trưng của địa phương.

Địa phương cũng đã liên tục mở các lớp tập huấn phát triển sản phẩm truyền thống cho người dân như: Dệt thủ công, hát then, đàn tính, các lớp nấu ăn…, tổ chức đoàn tham quan học tập các mô hình du lịch cộng đồng lân cận…

nau-an-9781.jpg
Mở các lớp nấu ăn.
nau-an-1-3700.jpg
hat-then-3444.jpg
Thành lập các CLB hát then, đàn tính.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người, văn hóa, lịch sử, tiềm năng du lịch của Chợ Mới đến đông đảo khách du lịch trong và ngoài huyện; thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực đến nghiên cứu, khảo sát đầu tư các dự án phát triển du lịch trên địa bàn.

Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với ứng dụng công nghệ thông tin; tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Chợ Mới trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng ứng dụng mạng xã hội như zalo, facebook, trang fanpage…

“Với sự đồng thuận và tích cực tham gia của người dân, cùng sự hỗ trợ về cơ sở vật chất và nguồn lực, thôn Khuân Bang sẽ sớm trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, góp phần nâng cao đời sống và phát triển kinh tế bền vững cho người dân địa phương”, ông Lưu Khánh Toàn, Chủ tịch UBND xã Như Cố bày tỏ.

Nhờ sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, Bắc Kạn đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên tại khu vực, hiện hạ tầng kỹ thuật giao thông tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng qua quá trình sử dụng đã có nhiều nơi xuống cấp nghiêm trọng. Các sản phẩm du lịch bổ trợ còn đơn điệu, người dân bản địa chưa có kinh nghiệm, kỹ năng trong làm du lịch cộng đồng…

Hy vọng với chính sách, sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực cùng với sự quyết tâm của chính quyền, bà con thôn Khuân Bang sẽ sớm hoàn thành điểm du lịch cộng đồng, từng bước tạo sinh kế bền vững cho người dân, góp phần đưa du lịch tỉnh Bắc Kạn phát triển bền vững hơn./.

Hồng Anh – Ngọc Kỷ
Báo Bắc Kạn – baobackan.vn