Bắt đầu biết đan lát khi còn là cô thiếu nữ 12 – 13 tuổi, đến nay đã có 50 năm trong nghề, nhịp nhàng tay bắt nan trúc, bà Bàn Thị Sỉnh ở thôn Bản Cuôn, xã Ngọc Phái cho biết: “Hồi nhỏ, ngồi nhìn cha làm rồi bắt chước theo, tôi dần biết đan các vật dụng từ đơn giản đến phức tạp như: Rổ, rá, sọt đựng cá, gùi đựng lúa, ngô… Trong đó có chiếc gùi là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người Dao Đỏ. Một chiếc gùi phải đan trong vòng 2 – 3 ngày, tùy kích cỡ, bán được giá từ 200.000 – 300.000 đồng. Mỗi năm, tôi làm được khoảng 30 – 40 sản phẩm, vừa để gia đình sử dụng vừa tạo thu nhập lúc nông nhàn”.
Là một nghệ nhân có tay nghề giỏi, nay đã ngoài 90 tuổi nhưng cụ Nông Thị Vành, thôn Nà Tùm, xã Ngọc Phái vẫn miệt mài truyền nghề cho các thế hệ sau. Cụ Vành chia sẻ: “Nghề đan lát đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, các nan đan cho đến khâu cuối cùng hoàn thành sản phẩm. Phải chọn cây trúc thẳng đều từ 1 – 5 tuổi, không bị gãy ngọn. Công đoạn vót, chẻ nan cũng mang yếu tố quyết định để hoàn thiện một sản phẩm đẹp. Chẻ nan mỏng hay dày tùy thuộc vào sản phẩm sẽ được đan. Chẻ nan xong phải chuốt nan có độ mềm, nhẵn và đều nhau, để khi đan các nan khít vào nhau và không tạo ra khe hở, như vậy sản phẩm mới chắc, bền, đẹp”.
Kỹ thuật đan cũng rất đa dạng, tuỳ theo sản phẩm định đan sẽ có cách đan khác nhau. Đan rổ, rá, dần, sàng, lồng nhốt gia cầm… thì phải đan lóng mốt, lóng đôi, đan ô vuông, lồng ngang dọc. Còn đối với vật dụng như làn đi chợ, giỏ đựng kim chỉ lại thường đan bắt chéo, đan hình quả trám để tạo hoa văn cho sản phẩm thêm thẩm mỹ. Riêng chiếc gùi đựng lúa, gùi củi của người Dao Đỏ thì kỹ thuật đan cầu kỳ hơn, đan lóng mốt kết hợp kỹ thuật đan chéo, đan tinh xảo, dáng hình lục giác, hình thang cân… Sau khi hoàn thiện sản phẩm, bà con thường gác lên bếp để hun khói khoảng 01 tháng nhằm giữ cho vật dụng được bền hơn.
Bà Hà Thị Tuyết, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chợ Đồn: “Để giữ gìn nghề truyền thống không bị mai một, từ năm 2021 đến nay, Phòng đã phối hợp với Hội Phụ nữ, Trường PTDT Nội trú huyện, hằng năm duy trì mở từ 1 – 2 lớp tập huấn nâng cao tay nghề đan lát, thêu thùa truyền thống. Mỗi lớp học nghề thu hút khoảng 30 học viên. Các lớp học này đều do các nghệ nhân có tay nghề tại địa phương trực tiếp truyền nghề, trao đổi kinh nghiệm cho các thế hệ trẻ. Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập được 01 tổ hợp tác duy trì nghề đan lát, may thêu trang phục dân tộc Dao Đỏ tại thôn Bản Cuôn, xã Ngọc Phái, với 19 thành viên. Huyện cũng tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội, tại hội chợ đêm, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm…”.
Thời gian tới, địa phương rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong việc gắn nghề đan lát thủ công với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm truyền thống đặc trưng với khách du lịch tới tham quan vùng ATK Chợ Đồn. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống./.