Bắc Kạn: Bạch Thông thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP

Trong thời gian qua, huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) tích cực triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Cùng với sự nỗ lực của các chủ thể và sự đồng hành của các cấp chính quyền, ngành chức năng, Chương trình OCOP huyện Bạch Thông có nhiều khởi sắc.

Tính đến thời điểm hiện nay, Hợp tác xã Thiên An (xã Vi Hương) là chủ thể có nhiều sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP nhất trên địa bàn huyện Bạch Thông với các sản phẩm: An mộc nhi; Mộc vượng xuân; Phục dưỡng hoa; thảo dược ngâm chân Thiên An; túi thổ cẩm Thiên An; khăn dải bàn thổ cẩm Thiên An; bộ lót ấm chén thổ cẩm Thiên An.

Chị Lý Thị Quên – Giám đốc Hợp tác xã Thiên An cho biết, tham gia Chương trình OCOP, Hợp tác xã đã phát huy thế mạnh của dân tộc Dao là dược liệu và thổ cẩm; quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ khâu chế biến, đóng gói sản phẩm nên hình thức và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, tạo được uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.


Các họa tiết, hoa văn tinh xảo trên sản phẩm thổ cẩm của HTX Thiên An đều được thêu tay

Huyện Bạch Thông luôn xác định phát triển kinh tế tập thể, trong đó phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp và Chương trình OCOP là nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Đại hội Đảng bộ huyện khóa XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra mục tiêu phấn đấu có 30 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 – 4 sao; Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 05-NQ/HU về phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp và thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025. Trên cơ sở đó, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều ban hành kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; hằng năm đăng ký nhu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đăng ký đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Huyện Bạch Thông cũng đã tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã để lựa chọn nội dung, sản phẩm cần liên kết sản xuất nhằm phát triển, nhân rộng trong sản xuất đối với các sản phẩm chủ lực của huyện; lắng nghe ý kiến góp ý, những vấn đề khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện của các chủ trì liên kết để hỗ trợ tháo gỡ.

Đến thời điểm này, Chương trình OCOP tại huyện Bạch Thông đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, bảo đảm đồng bộ, rộng khắp tại các địa phương. Toàn huyện hiện có 41 sản phẩm OCOP đạt 3 sao của 17 chủ thể gồm 11 hợp tác xã và 6 tổ hợp tác; 10/14 xã, thị trấn có sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của Nhân dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua Chương trình OCOP, phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của huyện. Một số sản phẩm có tiềm năng phát triển mạnh và có đơn đặt hàng duy trì thường xuyên ở trong và ngoài tỉnh như sản phẩm của Hợp tác xã Thiên An, Hợp tác xã An Bình, Hợp tác xã Hợp Giang, Tổ hợp tác chè Bản Dao, Tổ hợp tác Phiêng An…


Sản phẩm gạo nếp Khẩu Nua Lương của HTX Dền Vang, xã Lục Bình được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023

Để tạo điều kiện cho các sản phẩm OCOP tiếp cận được các thị trường lớn, huyện Bạch Thông đẩy mạnh thực hiện xúc tiến thương mại, tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại được tổ chức tại tỉnh và các tỉnh thành trong cả nước vào các dịp lễ, hội. Công tác tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho các hợp tác xã và các chủ thể tham gia Chương trình OCOP được chú trọng. Huyện cũng quan tâm tư vấn phát triển sản phẩm, xây dựng hồ sơ sản phẩm, tăng cường chuyển đổi số trong truyền thông, cùng với đó là quan tâm hỗ trợ chi phí bao bì, tem nhãn sản phẩm…

Tuy nhiên, Chương trình OCOP huyện Bạch Thông còn một số hạn chế nhất định, đó là công tác thông tin, tuyên truyền chưa được thường xuyên; việc chỉ đạo thực hiện ở một số địa phương còn thiếu sự tập trung, quyết liệt; sản phẩm OCOP của huyện mới chỉ đạt ở hạng 3 sao, chưa tập trung đẩy mạnh và nâng cấp hạng sao…

Để đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm OCOP của địa phương, trong thời gian tới, huyện Bạch Thông tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền, định hướng cho các chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia theo định hướng vừa chú trọng phát triển sản phẩm mới, đồng thời nâng cấp sản phẩm hiện có với phương châm “chất lượng tạo nên thương hiệu”; thực hiện tốt công tác chấm chọn, chuẩn bị hồ sơ xét duyệt trên tinh thần khách quan, đúng tiềm năng, thế mạnh của huyện; tăng cường giám sát sau công nhận đạt chuẩn OCOP để kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm; xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của huyện; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; triển khai có hiệu quả các chính sách của trung ương, của tỉnh hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể và Chương trình OCOP…/.

Hương Dịu
Cổng TTĐT tỉnh Bắc Kạn – backan.gov.vn