An Giang: Xây dựng rừng tràm Trà Sư thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn

Theo ông Trần Phú Hòa - Chi Cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay rừng tràm Trà Sư, ở ấp Văn Trà, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, đã đón trên 54.800 lượt khách tham quan nghiên cứu du lịch, đạt 116,3% so cả năm 2013, trong đó có gần 6.000 khách quốc tế, chiếm gần 11% tổng lượng khách. Đây là tiềm năng du lịch sinh thái đa dạng phong phú, thu hút nhiều du khách, đặc biệt là vào mùa nước nổi, với hai lượt đi về có 6 ...

Ông Hồ Việt Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ: An Giang đã chọn du lịch làm mũi đột phá, khai thác tiềm năng song song với cây lúa và con cá, do đó với điều kiện của rừng tràm Trà Sư hiện nay rất thích hợp cho phát triển du lịch. Ông chỉ đạo phải Xây dựng rừng tràm Trà Sư thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn bằng việc mở thêm vùng đệm 205 ha để tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư cùng tham gia làm kinh tế, đồng thời cũng nâng cao chất lượng dịch vụ đi kèm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân; có chính sách cho người đầu tư. Trước mắt tiến hành xây dựng ngay nhà chờ cho khách, bổ sung chức năng du lịch cho hạt kiểm lâm Trà Sư… Để rừng tràm Trà Sư không chỉ là nơi các loài động, thực vật trên cạn và thủy sinh sống hài hòa, phát triển bền vững trong môi trường tự nhiên hoang dã đa dạng sinh học, mà còn là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong ngoài tỉnh và quốc tế và nâng cao đời sống kinh tế cho cộng đồng khu vực biên giới An Giang

Theo thống kê hiện nay rừng tràm Trà Sư ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan du lịch và nghiên cứu năm sau cao hơn năm trước. Theo chi cục Kiểm Lâm tỉnh An Giang  từ năm đầu tiên 2005 rừng tràm Trà Sư bắt đầu triển khai mô hình du lịch sinh thái nhưng mãi đến năm 2007 mới bắt đầu thu hút được 5.135 du khách trong và ngoài tỉnh, đến năm 2008 tăng lên 7.835 khách, năm 2009 có 11.363 khách ,  vào  năm 2011 là 18.946 khách, đến năm 2013 tăng  nhanh số lượng  du khách đến với rừng tràm Trà Sư  là 47.133 khách, trong đó có 57% lượng khách có sử dụng các dịch vụ tham quan bằng xuồng, ghe cùng với  ăn uống trong rừng và 6.540 khách Quốc tế; Đến 9 tháng đầu năm 2014 thu hút tăng lên 54.818 lượt khách, có 88% lượng khách có sử dụng các dịch vụ và có 5.964 khách Quốc tế. như vậy với cảnh quan thiên nhiên đẹp đã thu hút lượng du khách lớn thứ 2 (sau rừng U Minh Thượng – tỉnh Kiên Giang) so các tỉnh có rừng toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 

Ông Trần Phú  Hòa – Chi Cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh An Giang nhấn mạnh: Rừng tràm Trà Sư còn giữ vai trò quan trọng là rừng đặc dụng phòng hộ, bảo vệ cảnh quan môi trường và đầu năm 2014 còn được Chính phủ quyết định trong danh mục bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo số 45/QĐ-TTg ngày 8/1/2014, vì vậy tập trung phát triển kinh tế, du lịch gắn với lợi ích cộng đồng nhưng không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, đảm bảo chế độ quản lý nước nghiêm ngặt và không gây tiếng ồn, không đầu tư cơ sở hạ tầng kiên cố. Do đó ông Hòa đề xuất để bảo vệ rừng kết hợp với phát triển du lịch sinh thái  tập trung trước mắt gia cố đê bao (đã đầu tư từ năm 2000); tập trung qui hoạch 5.000 m2 khu vực bãi dừng đổ xe; mở rộng khu vực  vùng đệm từ 845 lên 1.050 ha ven rừng để vận động cộng đồng cùng tham gia; do qui chế là rừng đặc dụng vì vậy di đời con đường nội bộ rừng cách con đường hiện hữu khoảng 100 mét để đảm bảo không gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến động, vật đang sinh sống trong rừng. Ngày 27/8/2014 Hạt kiểm lâm Trà Sư còn chính thức ra mắt đội” Cứu nạn cứu hộ” với 12 thành viên để bảo vệ cho du khách an tâm  khi ra vào rừng.

Rừng tràm Trà Sư có tổng diện tích 845 ha (trong đó 735 ha có rừng, còn lại 110 ha là kinh, đê và đất chưa có rừng), đặc điểm dân cư sinh sống xung quanh chủ yếu là đồng bào dân tộc khmer với 634 hộ, 3.078 nhân khẩu. Ngày 27/5/2005 theo quyết định số 1530/QĐ – UBND của UBND tỉnh An Giang rừng tràm Trà Sư được công nhận là “Rừng đặc dụng – bảo vệ cảnh quan nằm trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam và vùng rừng ngập nước quanh năm tiêu biểu cho khu vực Tây sông Hậu”, nằm cách biên giới Việt Nam – Campuchia 10 km và cách sông Mêkông 15 km, còn là nơi giao lưu về kinh tế, văn hóa, du lịch giữa An Giang và nước bạn Campuchia. Thuận lợi nằm trên tuyến du lịch liên hoàn từ cửa ngõ ra vào tỉnh  từ  thành phố Long Xuyên – Châu Đốc (có lễ Hội Quốc gia Vía Bà Chúa xứ Núi Sam) –  Tịnh Biên (khu du lịch Núi Cấm – rừng tràm Trà Sư ) –  huyện Tri Tôn (Đồi Tức Dụp – Nhà mồ Ba Chúc) hay sang Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) và  Campuchia.  đã được thiên nhiên ưu đãi có tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn rất phong phú. Đặc sắc nhất là cảnh quan rừng tràm trong mùa nước nổi (từ tháng 7 – tháng 12 dương lịch hàng năm)./.