Hà Giang với những thuận lợi về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, kiến trúc truyền thống, tỉnh Hà Giang đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển du lịch, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương thông qua các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch; tập trung huy động nguồn lực, lồng ghép với các cơ chế chính sách hiện hành của Trung ương, của tỉnh; xác định phát triển loại hình du lịch cộng động đồng gắn với xây dựng nông thôn mới như một giải pháp tất yếu, nhằm hướng tới phát triển bền vững, đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế – xã hội vùng nông thôn, cảnh quan môi trường và bảo tồn văn hóa. Hiện nay, sản phẩm du lịch cộng đồng của Hà Giang đang được phát triển theo mô hình Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP ); đồng thời đang từng bước nâng cao chất lượng tiến tới áp dụng phù hợp một số tiêu chí trong xây dựng Làng văn hóa du lịch theo tiêu chuẩn ASEAN.
Làng văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm (Quản Bạ) – mô hình du lịch cộng đồng ấn tượng – vinh dự được nhận Giải thưởng “ASEAN Homestay” năm 2023.( Nguồn: baohagiang.vn).
Từ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đến nay, tỉnh Hà Giang đã có Làng văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm (Quản Bạ) vinh dự được nhận Giải thưởng “ASEAN Homestay” năm 2023; 16 làng được UBND tỉnh Hà Giang công nhận hoàn thành các tiêu chí xây dựng Làng văn hóa du lịch tiêu biểu. Hầu hết các làng đều có tính đặc trưng gắn với các sản phẩm du lịch điển hình phù hợp với nhu cầu du khách trong và ngoài nước, trong đó gắn kết khai thác du lịch cộng đồng với xây dựng nông thôn mới. Khai thác có hiệu quả, thu hút lượng khách du lịch đáng kể và huy động được sự tham gia cộng đồng trong cung ứng dịch vụ, đảm bảo các lợi ích từ du lịch, góp phần tăng cao thu nhập cho người dân, phát huy tốt giá trị tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa và phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Kết quả năm 2022, thôn Pả Vi Hạ (Mèo Vạc) đón trên 250 lượt khách, doanh thu gần 1,25 tỷ đồng; thôn Nặm Đăm đón trên 8.500 lượt khách, doanh thu đạt 4,25 tỷ đồng; thôn Lô Lô Chải (Đồng Văn) đón trên 200.000 khách, doanh thu khoảng 50 tỷ đồng; thôn Tha (thành phố Hà Giang) đón 28.000 lượt khách, khách lưu trú trên 10.630 lượt, doanh thu ước đạt 10 tỷ đồng; thôn Nậm Hồng ( Hoàng Su Phì) đón 960 lượt khách, doanh thu 1,25 tỷ đồng…
Trên cơ sở Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 được Thủ tướng phê duyệt, tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2023 – 2025. Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn lực đảm bảo hoàn thành việc phát triển du lịch nông thôn 40 làng đã đăng ký theo chương trình xây dựng “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP”. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số, phấn đấu có ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; 100% các điểm du lịch nông thôn được giới thiệu xúc tiến quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; 80% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch và các chủ thể hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp nông thôn được đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, bồi dưỡng nghề phục vụ du lịch…
Để tiếp tục duy trì, phát huy kết quả đạt được, thời gian tới tỉnh Hà Giang tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy chính quyền trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về phát triển du lịch, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII về đột phá trong lĩnh vực du lịch; đồng bộ các giải pháp triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; tập trung ưu tiên các nguồn lực phát triển hạ tầng du lịch, bảo tồn phát huy giá trị di sản, văn hóa làm cơ sở để phát triển du lịch, xây dựng và củng cố hình thành chuỗi liên kết, cung ứng dịch vụ gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng cao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành mục tiêu trong xây dựng, triển khai các chương trình dự án phát triển kinh tế – xã hội vùng nông thôn, nhất là những vùng có tiềm năng; xây dựng cơ chế chính sách khả thi đáp ứng với thực tiễn trong phát triển du lịch nông thôn hiện nay; tăng cường các giải pháp hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch, nâng cao chất lượng các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng để giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm tại chỗ…
Tin tưởng rằng, trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của địa phương, cùng với những quyết sách và bước đi phù hợp, tỉnh Hà Giang sẽ ngày càng phát triển, xứng danh – Miền đất ” đá nở hoa” nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.
Hồng Minh
Cổng TTĐT tỉnh Hà Giang – hagiang.gov.vn