Long Hồ đang tập trung phát triển thương mại – dịch vụ, hạ tầng giao thông thủy, bộ, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp để phục vụ du khách. Ảnh: Nguyễn Vinh Hiển
Để cụ thể hóa quan điểm này, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) đang tập trung các giải pháp phát triển thương mại – dịch vụ, đầu tư hạ tầng giao thông và xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp để thu hút khách tham quan.
Tiềm năng du lịch mai vàng
Đến thăm Làng nghề truyền thống Mai vàng Phước Định (Bình Hòa Phước) nhân lúc anh Bùi Thanh Đạm (ở ấp Phước Định 2) đang làm cỏ, quét dọn cảnh quan và trồng hoa cặp con lộ trước nhà. Anh Đạm cho biết con đường này trước đây chỉ rộng 1,6m.
Sau này được nâng cấp lên 3m theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đây là tuyến đường đan đầu tiên của huyện được đầu tư rộng như vậy để giúp người dân buôn bán mai vàng thuận tiện, cũng như phát triển du lịch trong thời gian tới.
Làng nghề truyền thống Mai vàng Phước Định có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch
Theo anh Đạm, đường sá được đầu tư rộng rãi, việc mua bán mai vàng thuận tiện, nên thu nhập của người dân cao hơn, nhờ vậy có điều kiện mua sắm vật dụng, tiện nghi… “như nhà tui tất cả đều nhờ mai”, anh Đạm khoe và bày tỏ: “Tui mong Nhà nước sớm đầu tư phát triển du lịch.
Ở xứ cù lao này du khách tới nhiều, nhưng chưa đến làng mai. Khi phát triển du lịch, tui sẽ đầu tư nhiều hơn cho cây mai, du khách thấy mai đẹp sẽ mua về trồng”.
Anh Bùi Thanh Đạm luôn quan tâm chăm chút con đường trước nhà
Cùng ngụ ấp Phước Định 2, anh Lê Văn Hòa cho biết, qua thời gian quê mình thay đổi nhiều lắm, diện mạo ngày càng đẹp hơn, đường sá khang trang sạch đẹp, rác thải được thu gom có nề nếp, an ninh tốt… Nhờ vậy mà “an tâm để… tiền tỷ (những cây mai vàng – PV) ngoài sân”, anh Hòa cười tươi.
“Xã Bình Hòa Phước phát triển du lịch mai vàng là số một vì cây kiểng đẹp đã gom về đây khoảng 70%. Người dân chí thú làm ăn, “nhìn nhà cửa đơn giản vậy chứ… rất khá giả”, anh Hòa nói vui và cho rằng để dành vốn đầu tư cho mai thì tiền sẽ nở ra, yêu cầu có sân rộng, có mai đẹp là có tiền và “hơn nhau ở chỗ cây mai đẹp”.
Ông Trần Minh Cảnh – Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước, cho biết: Tại làng mai, đa số nhà xưa và người dân muốn giữ gìn nhà của ông bà để lại, không muốn đập bỏ cất mới. Mặt khác, do diện tích đất hạn chế, nên người dân để dành đất trồng mai.
Đầu tư hạ tầng để phát triển du lịch
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm về việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, du lịch các xã cù lao thuộc huyện Long Hồ thành khu vực trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh, vừa qua UBND huyện Long Hồ đã đến khảo sát tại 4 xã cù lao để đánh giá hiện trạng, định hướng quy hoạch phát triển du lịch.
Trong 4 xã cù lao của huyện Long Hồ, hiện xã Bình Hòa Phước và Hòa Ninh đạt chuẩn NTM nâng cao. Năm 2023, xã Bình Hòa Phước phấn đấu về đích NTM kiểu mẫu. |
Nhìn chung, hệ thống giao thông đường bộ tại 4 xã cù lao còn nhỏ hẹp, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển du lịch.
Về giao thông đường thủy, hệ thống kênh rạch bị bồi lắng, các bến thủy chưa được quy hoạch để thu hút khách đến các làng nghề.
Việc xây dựng cảnh quan môi trường, thu gom rác thải còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến vẻ mỹ quan, khiến du khách e ngại.
Các cơ sở du lịch chưa liên kết để cùng nhau thúc đẩy du lịch, các sản phẩm du lịch còn trùng lắp, chưa tạo được sức hút để du khách quay trở lại… Đây chính là những rào cản đối với du lịch 4 xã cù lao.
“Xã đang vận động nhân dân làm du lịch sinh thái. Song, mô hình này vẫn còn mới mẻ đối với người dân làng mai.
Vừa qua ngành du lịch tới khảo sát, tuyên truyền vận động hộ nào có nhu cầu mở du lịch thì đăng ký, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để người dân có vốn đầu tư”, ông Trần Minh Cảnh cho hay và đề xuất: Nhà nước cần đầu tư thêm một số tuyến đường cấp C (liên xóm) với mặt đan 3,5-4m và xây thêm cầu để du khách đến tham quan được dễ dàng, thuận tiện hơn.
Ông Nguyễn Thanh Tâm – Chủ tịch UBND xã Đồng Phú, đề xuất cần đầu tư xây đường giao thông liên xóm, liên ấp đấu nối với tuyến đê bao vành đai để phát triển du lịch.
Đồng thời, quan tâm phát quang, vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác, nhân rộng các tuyến đường hoa để thu hút du khách.
Bố trí, sắp xếp các chợ truyền thống, quy hoạch kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn để buôn bán hàng hóa, mở các chợ đêm, các điểm thu mua nông sản phối hợp với bán sản phẩm đặc trưng của địa phương, vừa giúp cho nông dân tiêu thụ nông sản vừa phục vụ cho du lịch.
Ông Võ Trung Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ, cho biết huyện đang tập trung chỉ đạo đầu tư phát triển thương mại – dịch vụ, hạ tầng giao thông đường thủy lẫn đường bộ. Bên cạnh, tập trung xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp để phục vụ du khách.
Tin rằng việc nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM về giao thông, kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn, môi trường và an toàn thực phẩm… sẽ tạo nên cú huých, đưa du lịch tại 4 xã cù lao thêm khởi sắc, góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.
Huyện Long Hồ (Vĩnh Long) hiện 32 cơ sở lưu trú du lịch, 2 điểm du lịch được công nhận theo quy định của Luật Du lịch năm 2017 là Khu du lịch Vinh Sang và Nhà dừa Coco Home. Tết Nguyên đán 2023 đến nay, có trên 16.000 lượt khách đến tham quan du lịch sinh thái, doanh thu hơn 15 tỷ đồng. Song du lịch các xã cù lao chưa tương xứng với tiềm năng, các điểm du lịch chưa tạo được nét riêng để thu hút khách du lịch. |
Bài, ảnh: Nguyễn Xuân
Báo Vĩnh Long – baovinhlong.vn