Huyện Tân Sơn (Phú Thọ): Nâng cao chất lượng sản phẩm chè

Huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) có gần 4.000ha chè, trong đó có tới 90% thuộc diện đang cho thu hoạch. Chè là một trong những loại cây trồng được xác định là cây chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện. Những năm qua, cùng với giữ ổn định diện tích chè, Tân Sơn luôn chú trọng nâng cao chất lượng, sản xuất chè an toàn.


Thành viên tổ hợp tác sản xuất và chế biến chè Bằng Phượng, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn kiểm tra tình hình phát triển của cây chè sau khi sử dụng phân bón hữu cơ

Là chủ thể đầu tiên của huyện Tân Sơn có sản phẩm được công nhận đạt hạng OCOP 4 sao, HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn luôn chú trọng đảm bảo các tiêu chuẩn sản xuất chè an toàn như VietGAP, RA, HACCP… HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc đã và đang liên kết với 20 hộ thành viên trồng chè tại địa phương với diện tích 37ha. Các gia đình liên kết bán nguyên liệu cho HTX đều phải cam kết thực hiện tiêu chuẩn sản xuất an toàn như: Không dùng thuốc diệt cỏ, không dùng thuốc trừ sâu hóa học, không phun chất kích thích sinh trưởng… khi chăm sóc cây chè và chịu sự giám sát của tổ hợp tác. Đặc biệt, để có được sản phẩm chè sạch, an toàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, HTX luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến an toàn, sử dụng phân bón, chế phẩm sinh học đúng nguyên tắc, đảm bảo các quy trình kỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường.

Ông Hà Văn Chinh – Phó Giám đốc HTX chia sẻ: “Ngay từ những ngày đầu, chúng tôi chọn phương pháp tiếp cận thị trường là tập trung vào chất lượng sản phẩm, trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. HTX liên kết nhiều hộ sản xuất chè trên địa bàn, mở các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng trong sản xuất, chế biến chè. Từ nguồn nguyên liệu được chế biến ra đảm bảo số lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng chè chế biến ngày càng nhiều hơn, chất lượng hơn với phương châm sản xuất an toàn, chất lượng là hàng đầu”.

Không chỉ HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc mà hầu hết các hộ trồng chè ở Tân Sơn đều đã có thay đổi trong nhận thức về trồng và chăm sóc chè an toàn. Diện tích chè được cấp chứng nhận an toàn theo các tiêu chuẩn như VietGAP, HACCP, ISO, RA… ngày càng được mở rộng, đạt khoảng 40% diện tích chè toàn huyện. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chế biến và tiêu thụ, huyện cũng khuyến khích các hộ đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, liên kết thành lập các tổ hợp tác, HTX. Đến nay, toàn huyện có gần 170 cơ sở chế biến chè với công suất chế biến khoảng 15.000 tấn/năm, giá trị từ cây chè mang lại đạt gần 150 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Xuân Việt – Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Những năm gần đây, du lịch Tân Sơn ngày càng phát triển, là điều kiện thuận lợi để quảng bá, giới thiệu các loại nông, lâm sản đặc trưng của địa phương, trong đó có sản phẩm chè. Để xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho sản phẩm chè, UBND huyện đã chỉ đạo các xã quy hoạch vùng trồng chè tập trung, gắn với phát triển du lịch. Các cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương mở các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng, chăm sóc, chế biến chè an toàn. Đồng thời, tạo điều kiện để các HTX, tổ HTX thường xuyên tham gia các hội chợ thương mại, hội chợ nông sản… nhằm quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm.

Để cây chè phát triển ổn định, bền vững, thời gian tới, Tân Sơn tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào quá trình chăm sóc, thu hoạch và chế biến chè; mở rộng vùng sản xuất chè an toàn, chất lượng cao; nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị thông qua ký kết hợp đồng, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm, xây dựng các kênh tiêu thụ, tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại. Song song với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người trồng chè, các doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm chè.

Phan Cường
Báo Phú Thọ – baophutho.vn