Gia Lai: Pleiku xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

Những năm qua, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Đến nay, diện mạo các làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có sự thay đổi rõ rệt. Đời sống vật chất và mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân ngày càng nâng cao.

Khởi sắc làng nông thôn mới

Hiện nay, TP. Pleiku có 8/8 xã đạt chuẩn NTM. Những năm qua, thành phố đã tập trung nguồn lực và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS.

Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, trong đó nỗ lực thực hiện hiệu quả chương trình phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các DTTS. Đây là cơ sở để phát huy tiềm năng, mang lại thu nhập cho người dân, góp phần giữ vững tiêu chí số 10 về thu nhập trong xây dựng NTM.

1-con-duong-hoa-dep-mat-o-lang-ia-nueng-2799-2246.jpg
Các tuyến đường của làng Ia Nueng (xã Biển Hồ) được xây dựng khang trang và trồng hoa ở hai bên. Ảnh: Lê Nam

Tranh thủ nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xã Biển Hồ đã đầu tư hệ thống giao thông kết nối đồng bộ đến các điểm du lịch; xây dựng làng Ia Nueng thành làng văn hóa du lịch cộng đồng với nhiều hoạt động tạo thu nhập ổn định cho người dân và thu hút khách du lịch như: phục dựng cây nêu, nhà rông, cây đa trăm tuổi; lắp đặt 24 tượng gỗ tại nhà sinh hoạt cộng đồng; duy trì hoạt động của đội cồng chiêng, phát triển sản phẩm dệt thổ cẩm tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc. Nhờ vậy, đến nay, thu nhập của người dân đạt trên 56 triệu đồng/người/năm.

Bà Đinh Thị Hoa-Phó Chủ tịch UBND xã Biển Hồ-cho biết: “Thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã đã sử dụng các nguồn lực để duy trì, phát huy các bản sắc dân tộc, đặc biệt là 2 làng đồng bào DTTS; tuyên truyền, vận động người dân duy trì hoạt động cồng chiêng phục vụ du khách, phát triển câu lạc bộ (CLB) dệt thổ cẩm, đưa sản phẩm dệt thổ cẩm đến với các ngày hội du lịch văn hóa ở Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) và ở Kon Tum”.

Trong khi đó, Chư Á là vùng đất còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Đạt chuẩn NTM vào năm 2017, những năm qua, cùng với phát triển kinh tế, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống luôn được xã quan tâm đúng mức. Xã thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng cho người dân; tập huấn hướng dẫn bà con làm du lịch cộng đồng; thành lập các tổ hợp tác dệt thổ cẩm.

Bên cạnh đó, người dân luôn đoàn kết, chăm lo lao động sản xuất để phát triển kinh tế, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ông Siu Luk (làng Chuet Ngol) cho hay: “Nắm rõ chủ trương xây dựng làng NTM của Đảng và Nhà nước, gia đình tôi luôn chăm lo làm ăn, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Dân làng cũng bảo nhau giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, tham gia vào đội cồng chiêng, cùng nhau luyện tập để giới thiệu đến khách du lịch”.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa

Để triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người, trong đó đặc biệt quan tâm phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa bền vững, gắn với thực hiện xây dựng NTM, thời gian qua, TP. Pleiku quan tâm nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa thể thao cấp xã, thôn trên địa bàn.

Đồng thời, đổi mới nội dung chương trình hoạt động gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu của người dân, phát huy vai trò chủ thể người dân trong việc tham gia đóng góp xây dựng các mô hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Để đạt được mục tiêu đề ra, TP. Pleiku huy động nhiều nguồn lực để triển khai, trong đó, thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án cũng như sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên tổ chức lớp truyền dạy cồng chiêng cho thanh-thiếu niên; tổ chức lớp nghiệp vụ du lịch cộng đồng; thành lập và duy trì nhiều CLB văn hóa-văn nghệ như: CLB cồng chiêng thanh thiếu nhi, CLB cồng chiêng nữ, CLB dệt thổ cẩm.

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng các mô hình homestay, farmstay tại các làng du lịch; huy động mọi nguồn lực để đầu tư, xây dựng một số hạng mục như: cải tạo Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ tại xã Gào; xây dựng Di tích lịch sử cách mạng Khu 9 (xã Gào); đầu tư sửa chữa Công viên Diên Hồng; xây dựng nhà nghỉ chân ngắm cảnh cho du khách và nhà vệ sinh tại thắng cảnh Biển Hồ.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động văn hóa, thể thao đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nâng cao sức khỏe người dân. Nhờ vậy, đến nay, 8/8 xã trên địa bàn thành phố đã xây dựng và thành lập trung tâm văn hóa-thể thao xã; có 54/54 thôn, làng có nhà văn hóa, nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng.

Có thể nói, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đang trở thành một sản phẩm độc đáo của du lịch TP. Pleiku. Sự chung tay của các làng DTTS đã góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

2cong-vien-dien-hong-2546.gif
Hồ Diên Hồng nhìn từ trên cao. Ảnh: Internet

Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho hay: Thời gian tới, TP. Pleiku tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá nhằm duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch, đặc biệt là ở các làng đồng bào DTTS.

Đồng thời, tạo điều kiện cấp kinh phí để mua cồng chiêng cấp cho các làng đồng bào DTTS, tổ chức liên hoan văn hóa-văn nghệ như: liên hoan cồng chiêng thanh thiếu nhi; hội thao; hội thi văn hóa, thể thao các DTTS.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cấp xã; phát huy vai trò của người dân trong việc tham gia đóng góp xây dựng, quản lý, tổ chức các mô hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Các làng đồng bào DTTS gắn việc xây dựng làng NTM với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, tổ chức các tuần văn hóa-thể thao, văn hóa-du lịch với nhiều hoạt động đặc sắc.

Cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục coi trọng việc phát huy giá trị cốt lõi của truyền thống văn hóa nhằm nâng cao năng lực cộng đồng và đời sống tinh thần của người dân; giữ vững vai trò văn hóa trong đời sống tinh thần của Nhân dân. Đó cũng chính là “chìa khóa” để thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển, xứng tầm với đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Thanh Truyền

Báo Gia Lai – baogialai.com.vn