Nhiều sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP của địa phương được quảng bá tại hội chợ
Cơ hội giới thiệu sản phẩm
Diễn ra đúng vào dịp lễ Quốc khánh 2/9 với sự tham gia của 12 gian hàng đến từ các xã, phường, các chi hội nghề nghiệp, thanh niên, phụ nữ, nông dân khởi nghiệp của TX. Hương Trà, hội chợ nhằm giới thiệu các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP của địa phương, các sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống, sản phẩm nông nghiệp sạch như cốm An Thuận, bún Vân Cù, ổi VietGAP Hương Xuân, tinh dầu tràm, củ kiệu Hương Chữ… Đây là các sản phẩm làng nghề, nông sản chủ lực của địa phương.
Gian hàng bún Vân Cù là nơi thu hút rất nhiều du khách tìm đến bởi thương hiệu này đã nổi tiếng từ lâu, được người dùng ưa chuộng. Đặt mua các loại bún tươi, bún khô đặc sản của làng nghề nổi tiếng, anh Lê Văn Hùng đến từ phường Thủy Dương (TX. Hương Thủy) chia sẻ: Tham gia hội chợ lần này, nhiều người mới được biết về câu chuyện văn hóa, lịch sử đằng sau sợi bún của các nghệ nhân làng Vân Cù. Để làm nên sợi bún ngon, người làm nghề phải trải qua nhiều công đoạn công phu từ ngâm, vo, ủ, rồi giã gạo, gạn lọc thành nước bột mịn đến những bí quyết làm nên sợi bún dẻo dai và thơm ngon…
Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Hội làng nghề bún Vân Cù bày tỏ: Hội chợ đã mở thêm cơ hội cho sản phẩm làng nghề chúng tôi vươn rộng ra thị trường. Đã có những hợp đồng thu mua sản phẩm bún Vân Cù được ký kết sau các kỳ hội chợ, góp phần giúp cho sản phẩm có đầu ra ổn định và tăng thêm thu nhập cho người sản xuất.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Phú, hiện tại mỗi ngày làng nghề bún Vân Cù cung cấp ra thị trường hàng chục tấn bún các loại. Cơ sở sản xuất ít từ 1-2 tạ, cơ sở sản xuất nhiều 3-4 tạ/ngày. Thị trường tiêu thụ sản phẩm khắp các địa phương trong tỉnh và các địa bàn lân cận. Nhờ vậy, doanh thu hàng năm của làng nghề đạt trên 100 tỷ đồng…
Cùng với bún Vân Cù, ổi VietGAP Hương Xuân cũng là sản phẩm có thương hiệu được giới thiệu ở hội chợ lần này. Tại đây, mô hình trồng ổi thương phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP được giới thiệu đến người tiêu dùng, từ quy trình trồng và chăm sóc cây ổi, đến khi bọc trái bằng túi nilon để tránh côn trùng, sâu bệnh và nấm…
Theo chị Nguyễn Thị Thịnh, Tổ phó Tổ hợp tác sản xuất ổi VietGAP Hương Xuân, diện tích trồng ổi thương phẩm trên địa bàn hiện khoảng 45ha, trong đó có đến 37ha của 28 hộ gia đình tham gia Tổ hợp tác sản xuất ổi VietGAP. Hiện trên địa bàn phường có khoảng 36ha ổi đang cho thu hoạch, giá trị kinh tế mang lại từ mô hình trồng ổi đạt hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Qua hội chợ lần này, bà con hy vọng sẽ nâng giá trị kinh tế và sức cạnh tranh của ổi Hương Xuân trên thị trường.
Và hơn thế nữa
Việc xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản, làng nghề sản xuất theo hướng hữu cơ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TX. Hương Trà trong thời gian tới. Qua đó, góp phần giúp nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định thị trường và tăng thu nhập cho người trồng. Để thực hiện mục tiêu này, các ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan của thị xã đã chung tay giúp bà con xây dựng nhãn hiệu hàng hóa tập thể và tạo vùng sản xuất tập trung cho các sản phẩm.
Bà Lê Anh Học, Chủ tịch Hội Nông dân TX. Hương Trà cho biết: Phát triển nông nghiệp sạch chất lượng cao được thị xã xác định là 1 trong 4 chương trình trọng điểm, nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TX. Hương Trà giai đoạn 2020-2025. Thời gian qua, người dân và cán bộ, hội viên, đoàn viên được tiếp cận nhiều chính sách và mô hình như trồng rau màu, cây ăn quả, cây dược liệu áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua đó, vừa giúp tăng năng suất, chất lượng, hình thành các sản phẩm chủ lực OCOP, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm nông sản của địa phương.
Bài, ảnh: Bá Trí
Báo Thừa Thiên Huế – baothuathienhue.vn