Thừa Thiên Huế: Phát huy các giá trị văn hóa để phát triển du lịch vùng cao

Huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái kết hợp với trải nghiệm văn hóa. Những năm qua, địa phương đã có nhiều chính sách để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng; đặc biệt, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia đã thúc đẩy khai thác các tiềm năng này một cách hiệu quả và bền vững.

Khởi sắc từ du lịch cộng đồng

Theo UBND huyện A Lưới, trên địa bàn huyện hiện có 5 làng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã và đang khai thác có hiệu quả. Có thể kể đến như: Làng du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr ở xã Hồng Kim; du lịch cộng đồng ở xã A Roàng; du lịch cộng đồng ở thôn A Hưa, xã Quảng Nhâm… Cùng với đó, có 24 điểm du lịch đang hoạt động khá tốt;  33 cơ sở lưu trú (trong đó 24 homestay, 9 nhà nghỉ) với công suất trên 800 khách/thời điểm.

Những ngày nghỉ lễ 02/9 vừa qua, rất đông các đoàn khách đã chọn đến trải nghiệm ở miền núi A Lưới. Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, các cơ sở lưu trú ở A Lưới gần như đạt công suất 100%. Chị Hồ Thị Hương – chủ của homestay Hương Rừng ở thôn Đút 1, xã Hồng Kim cho biết: trong đợt nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua, cơ sở của tôi đã đón khoảng 500 lượt người dân và du khách đến trải nghiệm các hoạt động văn hóa, khám phá thiên nhiên. Trong đó, trong 3 ngày từ 31/8 đến 02/9, homestay Hương Rừng kín phòng.

Là thế hệ trẻ 9X, người dân tộc Tà Ôi nên cô gái trẻ Hồ Thị Hương rất mong muốn quảng bá văn hóa và tiềm năng của địa phương mình đến cộng đồng du khách. Gần 2 năm qua, Hương khởi nghiệp với hoạt động du lịch cộng đồng dựa trên văn hóa truyền thống và tài nguyên thiên nhiên bản địa. Cùng với đó, homestay Hương Rừng do Hương mạnh dạn xây dựng đã khai thác hiệu quả, góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên và các nghệ nhân trong vùng.

Hồ Thị Hương cho biết: hiện nay cơ sở của em kết nối với gần 50 thanh niên, diễn viên, nghệ nhân. Bên cạnh công việc làm nông truyền thống thì khi vào mùa cao điểm du lịch, bà con sẽ có thêm việc làm và tăng nguồn thu nhập, góp phần cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo.

Ngoài ra, tại cơ sở du lịch của Hồ Thị Hương còn có 4 lao động cố định, được trả lương hàng tháng với mức 4 – 5 triệu đồng/người. Đây là mức thu nhập “cứng” ổn định đối với người dân tại miền núi A Lưới, bởi gần như hộ dân nào cũng có vườn và nuôi trồng thêm. Mô hình du lịch cộng đồng của Hương đã góp phần giảm nghèo bền vững cho bà con trên địa bàn.

Vừa qua, nhãn hiệu “Du lịch A Lưới” được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ đã giúp xây dựng thương hiệu điểm đến đối với du lịch A Lưới; tạo dựng niềm tin đối với du khách sử dụng, trải nghiệm các sản phẩm và dịch vụ của địa phương.

Triển khai nhiều chính sách để phát triển bền vững

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, cho biết: thời gian qua, địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách, đề án nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn. Trong đó, tập trung tôn tạo các điểm di tích lịch sử; đầu tư cơ sở hạ tầng cho các điểm du lịch sinh thái; hỗ trợ bà con, thôn bản phát triển homestay, nghề truyền thống như: dệt Dèng, đan lát, nghề gốm, thủ công mỹ nghệ…

Triển khai công tác bảo tồn văn hóa kết hợp phát triển du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và tạo động lực, khuyến khích bà con làm du lịch. Đồng thời, huyện cũng tranh thủ các nguồn dự án để phát triển du lịch trên địa bàn.

Hiện nay, có khá nhiều chính sách mà người dân, đồng bào dân tộc thiểu số có thể tiếp cận để làm du lịch. Những chính sách của Trung ương như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với Dự án 6 –“Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” đã góp phần khôi phục, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng; trùng tu các điểm di tích lịch sử; đảm bảo mối quan hệ hài hòa, giữa bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa và phát triển kinh tế – xã hội.

“Chúng tôi đang hướng đến đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và điểm đến, phấn đấu để A Lưới là “nơi đáng đến, đáng ở lại và có thứ đáng để mang về”. Những sản vật nông sản từ núi rừng; những sản phẩm thủ công truyền thống từ các làng nghề dệt Dèng, nghề đan lát; các sản phẩm OCOP của địa phương như chuối già lùn, bò vàng A Lưới, gạo Ra-dư, vải Dèng… ngày càng được du khách ưa chuộng. Qua đó, tạo ra nguồn thu nhập cho người dân, tạo cơ hội việc làm cho nhiều hộ gia đình, góp phần vào chương trình giảm nghèo bền vững” – Chủ tịch UBND huyện A Lưới chia sẻ.

Theo Phòng VHTT huyện A Lưới, dù mới hoàn thành nhưng từ tháng 8 vừa qua, nhiều đoàn du khách đã đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tại Làng Văn hóa – Du lịch các DTTS huyện A Lưới. Dự kiến sau khi khánh thành (ngày 6.9 tới), Làng Văn hóa – Du lịch các DTTS huyện A Lưới sẽ được vận hành, khai thác hiểu quả, có thêm điểm đến thú vị cho du khách trong hành trình khám phá A Lưới.

Sơn Thùy

Báo Văn hóa – baovanhoa.vn